Các ngân hàng cam kết tăng tín dụng cho nông nghiệp ĐBSCL
Một số ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự hội nghị đều nhấn mạnh về các giải pháp ưu tiên vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn tại ĐBSCL, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thực hiện phát triển nông thủy sản theo tiêu chuẩn GAP, VietGap, đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
Đại diện cho các ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, hiện nay thị phần tín dụng của Agribank cho nông dân tại ĐBSCL khoảng 50%, với mạng lưới rộng khắp trong khu vực với 160 chi nhánh, 155 phòng giao dịch. Dự nợ tín dụng cho nông nghiệp tại khu vực đến cuối năm 2011 khoảng 64.755 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Agribank sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp khu vực khoảng 18-20%, hạ tỷ lệ lãi suất cho vay xuống còn 15%/năm đối với những khách hàng có uy tín, 14-15%/năm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Agribank cũng sẽ áp dụng các biện pháp cho vay phù hợp với từng địa bàn, cơ cấu lại nợ đối với các doanh nghiệp và hộ dân gặp khó, thường xuyên tổ chức các hội nghị khách hàng tại các huyện, tiến hành đánh giá toàn bộ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị xuất khẩu để hỗ trợ vốn cho phù hợp.
Một số các ngân hàng lớn khác có mạng lưới hoạt động rộng tại khu vực ĐBSCL như VietinBank, Vietcombank, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt… cũng cam kết tăng tín dụng cho vay đối với khu vực, có những chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay phục vụ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh ĐBSCL sẽ là lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, Thống đốc cũng chỉ rõ, nguồn vốn của các ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là "không thiếu" cho những hoạt động có hiệu quả, song sẽ "rất thiếu" cho những hoạt động không có hiệu quả.
Vì mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng của nông, lâm, thủy, hải sản, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách, dành những khoản vay ưu đãi cho phát triển công nghệ, xây dựng các nhà máy chế biến...
Nguồn Chinhphu.vn