Các ngân hàng cam kết cho vay 8.300 tỷ đồng để bình ổn thị trường TP.HCM
Theo báo cáo của UBND thành phố, các mặt hàng thiết yếu trong Chương trình Bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 được cung ứng với lượng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và nguồn hàng ổn định; không có hiện tượng khan hàng, sốt giá; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tính đến tháng 9/2014, trên địa bàn thành phố đã có 8.487 điểm bán, tăng 8.239 so với năm 2008 và tăng 284 so với thời điểm tháng 4/2014 khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015.
Chương trình năm nay có sự gia tăng về chủng loại trong một số nhóm hàng, về lượng hàng và số DN tham gia bình ổn thị trường. Các NHTM đã nâng hạn mức tín dụng cam kết cho vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo nguồn hàng bình ổn thị trường với lãi suất ưu đãi và mở rộng đối tượng cho vay.
Theo đó, tổng hạn mức tín dụng do các NHTM cam kết cho vay là 8.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ngắn hạn dành cho các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường là 2.800 tỷ đồng với lãi suất 5,5%-6%/năm và vốn vay trung và dài hạn là 2.150 tỷ đồng với lãi suất 7%-10%/năm; còn lại 3.350 tỷ đồng dành cho các DN sản xuất, hợp tác xã, hệ thống phân phối tham gia chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường vay với lãi suất 7%-8%/năm.
Năm 2014, biểu trưng (Logo) của Chương trình Bình ổn thị trường đã được đưa vào khai thác nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm Việt Nam tham gia bình ổn thị trường; nâng cao ý thức trách nhiệm của DN; thúc đẩy quảng bá hoạt động và góp phầntạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình; hạn chế các hành vi lợi dụng thương hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Chương trình.
Đặc biệt, UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp danh sách 97 mặt bằng nhà đất phù hợp để giới thiệu cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình bình ổn thị trường; đã chấp thuận 37 địa chỉ nhà đất chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) để đầu tư xây dựng cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường.
Nguồn Thời báo Ngân hàng