Thứ Tư | 27/03/2013 08:11

Các hiệp hội doanh nghiệp nói gì về việc hạ lãi suất?

Theo đại diện một số hiệp hội, lãi suất giảm là thuận lợi nhưng ngân hàng cần tạo điều kiện về thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.
Chắc chắn có tác dụng với doanh nghiệp

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Việc giảm lãi suất tiền gửi và tiền vay gắn với xu hướng giảm lạm phát là mong mỏi của tất cả các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp FDI.

Tuy vậy, theo ông Mại, cũng không dễ giảm lãi suất quá nhanh bởi vì còn phụ thuộc vào tâm lý người gửi tiền tiết kiệm.

Lý do, khi các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, chứng khoán chưa ổn định thì người dân vẫn chọn phương án gửi tiền tiết kiệm để lấy lãi mặc dù lãi suất có thể giảm vài phần trăm.

Nhưng một khi các kênh đầu tư nói trên trở nên hấp dẫn thì việc lựa chọn có nên gửi tiết kiệm khi lãi suất giảm hay không lại là vấn đề cần được lưu ý.

Về việc điều chỉnh giảm lãi suất 1% từ ngày 26/3, theo ông Mại nhận định “chắc chắn có tác dụng đối với doanh nghiệp, nhưng cũng hạn chế trong phạm vi những doanh nghiệp đang còn nợ ngân hàng. Vấn đề đối với các doanh nghiệp khác là không dễ tiếp cận với tín dụng ngân hàng, nhất là khi lãi suất có xu hướng giảm”.

Vì vậy, cùng với chủ trương giảm dần lãi suất khi điều kiện cho phép, ông Mại cho rằng nên có thêm những giải pháp hữu hiệu, hướng dẫn và giám sát các ngân hàng thương mại để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với các thủ tục thuận tiện cho họ.

Cần tạo điều kiện giảm lãi suất các khoản vay cũ

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, để nguồn vốn hấp thụ được cho sản xuất thì lãi suất phải về như trước kia, từ 8-11%/năm. Trong lộ trình đó, đến cuối năm 2013 lãi suất cho vay về 11-12%/năm là hợp lý. Và do đó, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần này là đúng đắn.

Theo ông Lĩnh, việc hạ 0,5% lãi suất tiền gửi (từ 8% xuống 7,5%) sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, thêm vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng nhận định việc hạ lãi suất lần này vẫn chưa phải là mức lãi suất giúp doanh nghiệp cạnh tranh được trong khu vực.

“Việc doanh nghiệp có thể thực sự tiếp cận được nguồn vốn hay không còn phụ thuộc vào uy tín của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp yếu, không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế chấp, hàng tồn kho chất cao thì việc hạ lãi suất lần này chưa thể giúp doanh nghiệp vực dậy ngay được”, ông Lĩnh suy nghĩ.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, các khoản vay cũ của doanh nghiệp vẫn chịu lãi suất cao từ 17-18%.

Do vậy, cùng với việc giảm lãi suất cho vay mới theo lãi suất tiền gửi, theo ông Hùng, cần có thêm chính sách để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các khoản vay cũ của doanh nghiệp.

“Bởi, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang mắc với các khoản vay cũ, giảm lãi vay trong thời điểm này sẽ là một sự khích lệ tinh thần rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện