Thứ Sáu | 25/01/2013 15:09

Các Hiệp hội doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính

Theo VCCI, điểm yếu lớn nhất của các hiệp hội ngành hàng quốc gia là năng lực vận động chính sách, nhiệm vụ quan trọng nhất của một hiệp hội.
Hôm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Nghiên cứu thực trạng năng lực hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ước tính của VCCI, hiện có khoảng gần 400 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động chính thức trên cả nước, trong đó có 78 hiệp hội doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát này (chiếm gần 20%). Trong đó, có 50 hiệp hội đa ngành cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ hơn 64%) và 28 hiệp hội ngành hàng cấp quốc gia (chiếm tỷ lệ gần 36%).

Tuy nhiên, năng lực các hiệp hội của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong số 28 hiệp hội ngành hàng quốc gia, chỉ có hai hiệp hội được xếp ở nhóm cấp độ cao (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Đa phần thuộc cấp độ Khá (17/28 hiệp hội), còn lại là cấp độ Cơ bản (9 hiệp hội). Không có hiệp hội nào thuộc nhóm Sơ khai.

Điểm yếu lớn nhất của các hiệp hội ngành hàng quốc gia chính là Năng lực vận động chính sách, trong khi đây lại là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng nhất của một hiệp hội. Báo cáo này chỉ ra, mức độ bền vững ngân sách của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam dường như không có cải thiện ấn tượng nào theo thời gian.

Theo kết quả khảo sát, ở giai đoạn thành lập, ngân sách của hiệp hội có mức độ thâm hụt là 54% và giảm xuống mức 35% vào năm 2007. Nhưng từ giai đoạn đó đến nay tình trạng ngân sách nhìn chung của các hiệp hội doanh nghiệp không được cải thiện. Tỷ lệ hiệp hội có số dư trong cân đối thu chi năm 2011 là 31%, tăng nhẹ so với năm 2007 (28,3%).

Tình trạng ngân sách của các hiệp hội. Nguồn: VCCI
Nguồn: VCCI

"Kết quả khảo sát đã phần nào phản ánh bức tranh tài chính khó khăn của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các hiệp hội cấp tỉnh có xu hướng gặp khó khăn tài chính nhiều hơn các hiệp hội quốc gia.

Nếu chia theo thời gian, vấn đề về ngân sách lại là khó khăn lớn hơn đối với các hiệp hội doanh nghiệp mới thành lập. Đối với những hiệp hội doanh nghiệp thành lập 5 năm trở lại nay, tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2011 ở mức 48%, tỷ lệ hiệp hội có nguồn thu lớn hơn chi là 10%, kết quả khảo sát cho hay.

Vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến nguồn thu của các hiệp hội là việc đóng phí của các hội viên. Song, nghiên cứu của VCCI chỉ ra rằng, việc thu được phí đầy đủ từ các hội viên dường như là "điều mơ ước". Tuy nhiên, riêng tại Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội lương thực Việt Nam thì thu phí không phải vấn đề lớn.

Theo VCCI, đối với Hiệp hội Ngân hàng, hầu như 100% số hội viên tự nguyện đóng phí và đóng phí đầy đủ, điều tương tự cũng xảy ra với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Song, một số hiệp hội được coi là có tầm quan trọng và ảnh hưởng về mặt chính sách tới các bộ chuyên ngành như Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam thì lại có tỷ lệ huy động ngân sách chỉ đạt mức cơ bản.

Trong cơ cấu các khoản chi của hiệp hội, tiền lương cho cán bộ, nhân viên chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ lệ này là 31% vào năm thành lập và 38% vào năm 2011. Các khoản chi thường xuyên khác cho hoạt động bộ máy cũng tăng từ 35% năm thành lập lên 38% vào năm 2011. Mức độ chi cho việc thuê văn phòng, trụ sở đã giảm từ 20% vào năm thành lập còn 15% tổng chi ngân sách vào năm 2011.

Tóm lại, theo VCCI, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hiệp hội vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò và sức mạnh của mình trong nhiều lĩnh vực.

Nguồn Khampha


Sự kiện