Thứ Năm | 30/10/2014 16:59

Các hệ số nợ của Vietnam Airlines cao hơn tiêu chuẩn chung ngành hàng không

Theo ông Trần Thanh Hiền, hiện nay hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của VNA, không tính các khoản nợ có tính đặc thù là 4,3 lần.
Riêng khoản vay dài hạn/vốn chủ sở hữu là 3,17 lần. Nhận định về tỷ lệ này, Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines (VNA) thừa nhận, các chỉ số đều cao hơn chuẩn chung của ngành hàng không. Để khắc phục vấn đề này, ông Hiền đưa ra 2 giải pháp.

Thứ nhất, VNA đang tiến hành tăng quy mô vốn chủ sở hữu để phù hợp với doanh nghiệp. Trên sổ sách kế toán, đến thời điểm 31/3/2014, thời điểm định giá và xác định giá trị doanh nghiệp, quy mô vốn chủ sở hữu trên sổ sách chỉ có 506 triệu USD. Ông Hiền đánh giá con số đó thấp hơn so với mặt bằng chung của các hãng hàng không trong khu vực.

VNA sẽ tích cực và đẩy nhanh cổ phần hóa, tiến hành cổ phần hóa giữ nguyên vốn nhà nước và phát hành cổ phiếu để thu hút vốn. Trong bản công bố thông tin trước thềm IPO, vốn chủ sở hữu VNA từ 10.101 tỷ đồng từ cuối 2013 sẽ được tăng lên 14.101 tỷ đồng nếu hoàn tất cổ phần hóa và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Theo dự kiến, đến cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu của VNA là 26 nghỉn tỷ đồng.

Thứ hai, ông Hiền khẳng định VNA rất quan tâm đến việc kiểm soát số lượng vốn vay tương ứng và phù hợp với cân đối tài chính của doanh nghiệp. Ông Hiền nói VNA đã tính đến những phương thức cân đối lại tài sản doanh nghiệp, tùy thuộc vào mức độ tăng vốn chủ sở hữu, khả năng về cân đối nợ mà có các biện pháp xử lý thích hợp.

Ông Hiền viện dẫn giải pháp cụ thể trong việc cân đối nợ như máy bay VNA đã mua thì bán lại cho công ty cho thuê rồi thuê lại máy bay đó với giá thỏa thuận, vừa đảm bảo đội bay rồi đảm bảo việc cân đối nợ, đưa các khoản nợ ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Trưởng ban Tài chính Kế toán VNA khẳng định, hiện tại VNA đang kiểm soát tốt khả năng thanh toán, có thể dự phòng trước rủi ro khả năng thanh toán. "Chúng tôi là một trong số ít doanh nghiệp, tổng công ty tiếp cận sớm với thị trường quốc tế, được ghi nhận và đánh giá cao về khả năng thanh toán", ông Hiền nói.

Ông Hiền cho biết việc huy động vốn của VNA từ nhiều nguồn, huy động từ bên ngoài, từ các tổ chức tín dụng, nhưng VNA có lợi thế lớn là nguồn vốn vay tín dụng xuất khẩu có bảo lãnh của Chính phủ. Đây là nguồn vốn quan trọng, đảm bảo việc vay vốn.

VNA đang vay vốn mua thêm 4 chiếc Boing 787, thời gian nhận máy bay là năm 2015 nhưng có đến 12 - 13 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước tạo điều kiện cho vay với chi phí vốn cạnh tranh. Lượng vốn huy động trong việc này vượt nhu cầu vay của VNA.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện