Các hãng ôtô thủ sẵn kế hoạch rời bỏ Việt Nam
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được tính đến để hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Tuy nhiên, các DN cho hay sự hỗ trợ này vẫn kém hấp dẫn và sẵn sàng phương án bỏ sản xuất lắp ráp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc về bán kể từ năm 2018.
Chưa thỏa mãn
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều tại các luật về thuế, do Bộ Tài chính công bố mới đây, cho thấy, sản xuất lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng thuế suất 10% thuế TNDN trong vòng 15 năm kể từ khi dự án có lợi nhuận. Các dự án cũng được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo, kể từ ngày được cấp phép, đi vào hoạt động.
Các dự án sản xuất ô tô có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng (300 triệu USD) trở lên, giải ngân trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp phép, sẽ nhận được ưu đãi đầu tư.
Tuy nhiên, theo các DN ô tô, chính sách ưu đãi này chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch về chi phí sản xuất tại Việt Nam so với các nước trong khu vực. Họ cho rằng, nếu chỉ ưu đãi thuế TNDN trong khi phải đầu tư lớn, thời gian đầu chắc chắn không thể có lợi nhuận để được hưởng ưu đãi thuế.
Ngoài ra, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống về mức 40% và 30% thì ngay xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng được hưởng; như vậy, chỉ giúp tăng quy mô cho thị trường ô tô chứ không phải ưu đãi cho DN sản xuất ô tô trong nước.
Các DN cũng lý giải, đầu tư dự án lớn quy mô 300 triệu USD mà chỉ được hưởng ưu đãi cao về thuế TNDN như vậy là không đủ hấp dẫn. Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam quá yếu kém, tỷ lệ nội địa hóa thấp, sẽ rất khó để tạo ra lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu tại thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu sản phẩm.
Theo các DN ô tô, hiện sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam có chi phí cao hơn 20% so với sản xuất tại Thái Lan, Indonesia,... do sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Tuy nhiên, do thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam đang giữ ở mức 50%, nên vẫn duy trì lợi thế cho xe sản xuất lắp ráp trong nước. Song, lợi thế này sắp không còn do mức thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% vào năm 2018. Khi đó, xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ đắt hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc và không thể cạnh tranh nổi.
Để duy trì sản xuất ô tô trong nước, thời gian qua, các DN đã kiến nghị lên Chính phủ hàng loạt chính sách, như hỗ trợ phần giá trị chênh lệch giữa sản xuất trong nước so với nhập khẩu, chỉ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe dung tích nhỏ sản xuất lắp ráp trong nước,... Tuy nhiên, các đề xuất trên không nhận được sự đồng tình.
Khó còn cơ hội?
Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị được giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt về mức 30%, chỉ với các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước, không phải giảm chung cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc. Nhưng đến nay, điều này dường như không thành hiện thực.
Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu giảm, các DN mong muốn xe nhập sẽ phải chịu tác động của nhiều "hàng rào" khác. Song điều này cũng chưa có gì là chắc chắn. Ngược lại, có không ít thông tin khiến họ thêm lo lắng.
Chẳng hạn, Bộ Tài chính ước tính, khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống, từ năm 2017, ngân sách sẽ bị giảm thu ngân 1.200 tỷ đồng/năm. Khi đó, sự gia tăng lượng xe ô tô tiêu thụ được kỳ vọng sẽ bù đắp khoản thiếu hụt này. Ô tô trong nước không đáp ứng được nhu cầu, thì mở cửa để ô tô nhập khẩu tràn vào thay thế. Nếu vậy sẽ chẳng có "hàng rào" nào để ngăn cản xe nhập khẩu.
Như vậy, từ 1/1/2016, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ khối ASEAN về Việt Nam sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống còn 40% so với mức 50% hiện nay. Tiếp theo, đến 1/7/2016, có thể ô tô có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 lại được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi đó DN ô tô trong nước sẽ trở tay không kịp.
Hiện các DN ô tô đã rót tiền đầu tư vào những dự án có thế mạn để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, như Toyota Việt Nam đang nghiên cứu phát triển dòng xe thân thiện môi trường, là xe có 5 chỗ ngồi, dung tích động cơ dưới 1.5L, đạt tiêu chuẩn khí xả Euro 4. Thời gian tới, công ty dự định sẽ tập trung năng lực sản xuất hiện tại vào 1 hoặc 2 mẫu xe này để đạt được sản lượng cao, qua đó giúp nội địa hóa thêm các linh kiện.
Hay, tập đoàn ô tô Mazda (Nhật Bản) dự tính đưa nhà máy ôtô du lịch Mazda tại Việt Nam vào hoạt động trong năm 2017, đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% sau đó 1 năm.
Hyundai Thành Công cũng đã hoàn tất giai đoạn một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Ninh Bình, với dây chuyền hàn khung xe tự động, sơn,... và đang tiến hành đầu tư giai đoạn hai với xưởng dập chi tiết thân vỏ xe.
Song, các DN ô tô cho biết, nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây. Hiện tại, các DN vẫn duy trì sản xuất lắp ráp những mẫu xe có lợi thế cạnh tranh, đến khi nào không còn, sẽ chuyển sang nhập khẩu về phân phối.
Nguồn Vietnamnet