Các FTA thế hệ mới đòi hỏi sự tương tác cao với khu vực doanh nghiệp
Một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước lớn trên thế giới sẽ có tác động quan trọng đến cơ cấu xuất khẩu cũng như việc điều hành vĩ mô của Việt Nam.
Trước những yêu cầu cao của hội nhập, điều quan trọng nhất đối với các đơn vị của Bộ Công Thương là phải thay đổi tư duy trong quản lý, thay đổi tư duy trong việc ban hành các chính sách.
Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tại hội nghị phổ biến các hiệp định thương mại tự do của Bộ Công Thương, diễn ra sáng nay 15/12, tại Hà Nội.
Theo thứ trưởng, năm 2015, Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn, đó là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định Việt Nam-EU, Việt Nam- liên minh Á Âu và Việt Nam-Hàn Quốc.
Cả 4 hiệp định này sẽ có nhiều tác động đối với các lĩnh vực công nghiệp và thương mại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Trước thực tế đó, thứ trưởng yêu cầu các vụ, cục chức năng của Bộ Công Thương phải cập nhật thường xuyên và đầy đủ các thông tin về thị trường, hành lang pháp lý... tại các thị trường lớn đã ký kết nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do, từ đó giúp gia tăng xuất khẩu...
Thứ trưởng nhấn mạnh, để nghe và nhìn nhận các vấn đề về hội nhập thật tốt đòi hỏi tư duy chính sách phải thay đổi. Bởi lẽ, với 4 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia thì mọi công việc và điều hành phải da vào các cam kết.
Quan trọng hơn là đòi hỏi sự tương tác cao với khu vực doanh nghiệp, nhất là các văn bản chính sách phải đăng tải trên mạng trước 60 ngày để doanh nghiệp biết, sau khi nhận được ý kiến phản hồi thì phải tương tác trở lại.
"Khâu đầu là minh bạch hóa, quan trọng hơn là khi nhận được ý kiến của doanh nghiệp thì phải có sự tương tác, sẵn sàng đồi thoại và trao đổi với doanh nghiệp," thứ trưởng nói.
Có thể thấy, 4 hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết trong năm 2015 là những hiệp định thương mại thế hệ mới, có những tiêu chuẩn cao và nội dung chưa từng được đề cập trong các thỏa thuận tự do thương mại trước đó
Đánh giá về các hiệp định này, theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại với các thị trường lớn sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho ngành hàng của Việt Nam gia tăng xuất khẩu qua đó giảm dần nhập siêu.
Quan trọng hơn, hàng hóa tại các thị trường mà Việt Nam vừa ký kết đều có tính bổ sung cho nhau mà không cạnh tranh trực tiếp.
Bên cạnh đó, với những đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... việc ký kết các hiệp định đòi hỏi mang tầm chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên vật liệu sản xuất của Việt Nam cũng như tạo động lực cho xuất khẩu.
"Không phải chúng ta thích thời trang Hàn Quốc, thích phim Hàn Quốc là chúng ta ký kết, mà quan trọng là ở tầm chiến lược, mang tính vĩ mô, việc "chơi thân" với các nước có trình độ cao hơn là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên," ông Bùi Huy Sơn nói.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tháng 11/2015 kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương mức tăng 11,35 tỷ USD)
Các chuyên gia dự báo, riêng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU nếu được thực thi sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 15% cũng như giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 30-40%.../.
Nguồn Vietnam+