Các đồng tiền châu Á đồng loạt phục hồi mạnh
Các đồng tiền ở khu vực châu Á đang tăng giá mạnh trở lại. Trước đó, trong đợt bán tháo hồi tháng 8-9, tỷ giá các đồng tiền này đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hồi cuối thập niên 1990.
Nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần đầu tiên trong 9 năm đã dẫn tới sự rút lui mạnh của các dòng vốn ngoại ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có các thị trường ở châu Á.
Tuy vậy, trong cuộc họp ngày 16-17/9, FED quyết định giữ nguyên lãi suất. Hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ dời kế hoạch tăng lãi suất sang năm 2016.
Dự báo này giúp những đồng tiền mất giá nặng nề nhất trong thời gian qua, bao gồm đồng Rupiah của Indonesia và đồng Ringgit của Malaysia, cùng tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng. Mới tháng trước, tỷ giá các đồng tiền này chạm đáy của 17 năm.
Hãng tin CNBC cho biết, từ đầu tháng tới nay, tỷ giá đồng Ringgit so với đồng USD đã tăng 7,4%, trong khi tỷ giá đồng Rupiah tăng 8,7%. Tỷ giá đồng Won của Hàn Quốc cũng tăng 2,8%.
Tuy vậy, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, đồng Rupiah đã mất giá 18%, còn đồng Ringgit giảm 28%. Malaysia và Indonesia đều là những nước xuất khẩu dầu nên ngoài mối lo FED tăng lãi suất, đồng tiền của hai nước này còn chịu áp lực giảm từ việc giá dầu sụt sâu.
Lực phục hồi của các đồng tiền châu Á càng mạnh thêm sau khi FED công bố biên bản cuộc họp tháng 9 vào ngày hôm qua (8/10).
“Biên bản này cho thấy rõ quan điểm mềm mỏng. Các quan chức của FED nói nhiều đến việc lạm phát ở Mỹ còn ở mức thấp và bất ổn diễn ra ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi. Bởi vậy mà đồng tiền của Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác cùng tăng giá”, ông Mark Matthews, phụ trách nghiên cứu khu vực châu Á của ngân hàng phục vụ tư nhân Julius Baer, nhận xét
Theo dự báo của ông Matthews, trong tuần tới, một số nhà đầu tư giá lên có thể sẽ chốt lãi đối với các đồng tiền châu Á. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư bán khống có thể vẫn tiếp tục mua vào để đóng trạng thái, theo đó duy trì xu hướng tăng giá từ đầu tháng đến nay của các đồng tiền này.
Bán khống là việc đặt cược vào sự giảm giá của một tài sản nào đó. Nếu tài sản đó ngừng giảm giá hoặc bắt đầu tăng giá, nhà đầu tư bán khống thường sẽ mua vào để chốt lãi hoặc cắt lỗ, khiến giá của tài sản đó càng tăng cao hơn.
Tuy vậy, cũng có một số chuyên gia cho rằng, sự hồi phục của các đồng tiền châu Á chỉ là tạm thời.
“Việc FED hoãn tăng lãi suất đã khiến nhiều người thở phào. Nhưng chúng tôi không cho rằng đây là khởi đầu cho sự đảo chiều của các đồng tiền châu Á”, chiến lược gia Khoon Goh của ngân hàng ANZ nhận định. “Chúng tôi vẫn nhận thấy những khoảng thời gian thách thức phía trước đối với các đồng tiền châu Á do tăng trưởng giảm tốc, quá trình giảm nợ, và khả năng các nước trong khu vực nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Áp lực giảm giá các đồng tiền khu vực sẽ trở lại”.
Ông Goh cũng cho rằng đồng Won Hàn Quốc và đồng Đôla Đài Loan sẽ là những đồng tiền dễ tổn thương nhất ở châu Á trong thời gian tới, chủ yếu do hai nền kinh tế này chịu ảnh hưởng lớn từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Nguồn VnEconomy