Các doanh nghiệp nhóm Vinalines phần lớn thua lỗ
VOS, VST, VNA hiện đang là những cổ phiếu có giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cả 3 lại đang được Vinalines sở hữu cổ phần với tỷ lệ lớn: 60% tại VOS và VST, 51% tại VNA. Vinalines là cổ đông sáng lập của những công ty này, xem như đã lỗ khoảng 50% vốn nếu căn cứ theo giá cổ phiếu hiện nay.
VOS có vốn điều lệ (VĐL) 1.400 tỷ đồng, nhưng hiện tại giá trị vốn hóa khoảng 600 tỷ đồng, như vậy số cổ phần VOS mà Vinalines sở hữu khoảng 360 tỷ đồng, so với 840 tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Phần vốn của Vinalines tại VNA hiện có giá trị tính theo giá cổ phiếu trên thị trường vào khoảng 48 tỷ đồng, nhưng nếu Vinalines tiến hành thoái vốn chưa chắc đã đạt được con số này vì còn phụ thuộc vào biến động của thị trường chứng khoán và bên mua vào.
VOS, VST hay VNA đều có kế quả hoạt động kinh doanh thua lỗ trong quý I. VNA có VĐL 200 tỷ đồng, quý I vừa rồi lỗ hơn 43 tỷ đồng, số lỗ chiếm hơn 20% VĐL. Cuối tháng 4, HSX đưa VNA vào diện cảnh báo với lý do bảo vệ quyền lợi NĐT do 3 năm liên tục báo cáo tài chính (BCTC) có ý kiến lưu ý của công ty kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục.
NĐT khi nhắc đến cổ phiếu VST thường chỉ chờ đợi xem công ty có hoạt động bán tàu cũ để tạo nguồn thu đột biến hay không. Vosco quý I vừa rồi lỗ gần 60 tỷ đồng.
GMD và VSC là những cổ phiếu có giá cao nhất trong nhóm Vinalines. Đây cũng những doanh nghiệp hoạt động ổn định trên sàn, nhưng Vinalines đều sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp này với tỷ lệ thấp. Nhiều năm trước, khi thị trường quan tâm và đánh giá cao GMD, lúc đó Vinalines vẫn còn sở hữu lớn tại doanh nghiệp này.
Một điểm chung không đáng có trong nhóm cổ phiếu Vinalines là độ minh bạch không cao. Ngày 21/3, VOS bị HOSE cảnh cáo trên toàn thị trường với lý do vi phạm quy định về công bố thông tin (chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quý IV/2011). Ngoài ra, lãnh đạo của GMD ít khi xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ với cổ đông hay NĐT
Ngoài ra, Vinalines còn sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp như Hàng hải Đông Đô (DDM), một trong những doanh nghiệp khó khăn, phải bán tài sản để trang trải, rơi vào diện cảnh báo của HSX; hay như Hàng hải Hà Nội (MHC) mà Vinalines hiện chỉ còn sở hữu dưới 10%, hồi đầu năm nay mới thoát khỏi việc bị hủy niêm yết cũng do tình hình kinh doanh kém.
Nguồn Sài Gòn Đầu tư