Các doanh nghiệp bất đồng về quy định nhập khẩu ô tô của Nghị định 116
Sau khi doanh nghiệp phản ảnh những vướng mắc khi thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP về ô tô và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT (hướng dẫn thực hiện nghị định 116), vốn sẽ có hiệu lực từ ngày 1.3.3018. Ngày 26.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn, lắng nghe các phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.
Đa số các doanh nghiệp gặp 3 vướng mắc. Thứ nhất là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Thứ hai, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu. Thứ ba, quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ôtô. Họ than phiền rằng việc thử nghiệm từng lô xe mất tới 2 tháng và chi phí 10.000 USD.
Kể từ khi ban hành nghị đinh 116, Các hãng xe nước ngoài như Honda, Toyota, Ford, Nissan và Mitsubishi đã có thông báo ngừng nhập khẩu xe vào thị trường Việt Nam.
Trong tháng 1.2018, lượng xe nhập khẩu về thị trường Việt Nam ước khoảng 1.000 chiếc xe nguyên chiếc, giảm 14 lần so với tháng trước đó và khoảng 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường ô tô Việt Nam được cho là đang đối mặt với "cơn khát" xe đến hết quý II.2018.
Các hãng xe nước ngoài phản đối
Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam và đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết Nghị định 116 cũng như Thông tư 03 của Chính phủ được ban hành đã dẫn đến hậu quả là không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam từ 1.1.2018. Theo ông Kinoshita, Nghị định 116 làm tăng chi phí và thời gian khiến giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ của khách hàng, tạo sự thiếu công bằng giữa các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khiến nhiều nhà đầu tư thậm chí đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam đã phải ngừng hoạt động chỉ vì quy định đường thử.
Ông Phạm văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho rằng yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại là không phù hợp với thông lệ quốc tế bởi thường yêu cầu này thuộc về nước nhập khẩu. Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ô tô tiêu thụ trong nước mà thôi, các xe ô tô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này.
Tổng giám đốc Ford Việt Nam còn cho rằng quy định này sẽ là trùng lặp khi doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận ở nước xuất khẩu, sau đó vào Việt Nam, Cục đăng kiểm vẫn tiến hành và cấp giấy chứng nhận kiểu loại theo tiêu chuẩn trong nước.
Công sứ Nhật Bản nhận định điều này không chỉ liên quan đến vấn đề tiền bạc, chi phí mà còn là sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào các cơ quan của Chính phủ.
Hãng xe nội ủng hộ
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO), cho rằng Nghị định 116 ra đời nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ông Dương cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải thực hiện quy định về giấy chứng nhận kiểu loại từ năm 2016.
“Khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu điều kiện về xe lắp ráp trong nước, chúng tôi đã có giấy chứng nhận kiểu loại. Chúng tôi đã làm theo Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và có chứng nhận của KIA Hàn Quốc, Peugeot Pháp, Mazda Đức... Mới đây, tháng 8 chúng tôi nhận được thư ngỏ cho BMW, từ tháng 11 đến nay chúng tôi đã có chứng nhận kiểu loại của hãng xe này cho đơn vị phân phối là chúng tôi”, ông Dương chia sẻ. Ông Dương cho biết theo tìm hiểu của ông ở châu Âu cũng có quy định này.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cũng cho rằng giấy chứng nhận là yêu cầu bắt buộc.
Quan điểm của chính phủ
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đều nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng Việt Nam cần có quy định về vấn đề an toàn, đảm bảo tính mạng con người. Ông cho biết: “Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý”.
Chính phủ luôn chủ trương tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Việt Nam luôn chủ trương hội nhập sâu khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết:: “Việt Nam cũng cần có những bước đi của mình, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu xe ô tô sang Việt Nam nhưng cũng phải đảm bảo sản xuất chủ yếu cho thị trường trên 90 triệu dân. Không đặt vấn đề đưa Việt Nam trở thành thị trường ô tô của các hãng, các nước.Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có lựa chọn, không có vấn đề bảo hộ tuyệt đa số với sản xuất trong nước, nhưng cũng cần có quan tâm một mức độ nào đó tới sản xuất trong nước”.
Nguồn Tổng hợp