Thứ Năm | 22/11/2012 08:27

Các công ty quản lý quỹ khó trục lợi từ nhà đầu tư nếu áp đụng đúng luật

Ủy thác đầu tư có sử dụng NH lưu ký thì công ty quản lý quỹ khó trục lợi; rủi ro đạo đức là rủi ro lớn nhất trong hoạt động này.
Tài sản của nhà đầu tư được quản lý an toàn

Theo quy định, toàn bộ tài sản của nhà đầu tư (NĐT) ủy thác quản lý danh mục đầu tư, tài sản quỹ đầu tư… do NĐT ủy thác tại công ty quản lý quỹ (QLQ) đều phải được lưu ký tại ngân hàng lưu ký.

Công ty QLQ và NĐT phải ký hợp đồng quy định các quyền và nghĩa vụ của hai bên. Ngân hàng lưu ký đồng thời sẽ đóng vai trò giám sát mức độ tuân thủ của công ty QLQ. Trong trường hợp công ty QLQ vi phạm các quy định thỏa thuận/điều lệ quỹ, thì chính ngân hàng lưu ký sẽ là người dừng, không cho công ty thực hiện. Ngoài ra, công ty QLQ có nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tối thiểu 1 lần/ tháng, nên khả năng giám sát của NĐT đối với tài sản ủy thác tại công ty QLQ là rất lớn.

Như vậy, về cơ bản, trừ trường hợp NĐT ủy quyền quá nhiều cho công ty QLQ khi ký hợp đồng nguyên tắc ban đầu, thì trong các trường hợp còn lại, khả năng công ty trục lợi tài sản của NĐT là rất thấp. Hiện nay, đa số khoản ủy thác giá trị lớn từ các tổ chức tài chính, bảo hiểm, ngân hàng… tại công ty QLQ đều là khoản ủy thác quản lý danh mục đầu tư chỉ định, tức là công ty chỉ đơn giản đóng vai trò quản lý danh mục, rất ít quyền trong việc ra các quyết định đầu tư.

Chính vì thế, ngay cả khi công ty QLQ bị thua lỗ, phá sản hay giải thể hoạt động vì không có khả năng sinh lời, thì tài sản của NĐT trước và ngay sau khi xảy ra sự kiện này đều không có nguy cơ mất mát.

Giám đốc đầu tư một tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam, đơn vị hiện đang ủy thác hơn 10.000 tỷ đồng giá trị tài sản cho một công ty QLQ cho biết, về cơ bản, yêu cầu nghiêm ngặt quản lý tách biệt tài sản công ty QLQ và khách hàng, các khách hàng với nhau… khiến nhóm này không có cơ hội trục lợi tài sản ủy thác của NĐT như là nhóm CTCK.

Tuy nhiên, giai đoạn trước, đã có một vài ngân hàng, công ty tài chính ủy thác đầu tư (không phải quản lý danh mục) theo kiểu ký, chuyển tiền thẳng với công ty QLQ mà không cần lưu ký qua ngân hàng lưu ký, thì khả năng quyền lợi các công ty, ngân hàng này bị ảnh hưởng theo sức khỏe công ty QLQ là có. Mặc dù vậy, rủi ro (nếu có) trong các trường hợp này có lỗi chính đến từ phía NĐT, bởi họ đã không tuân thủ quy định pháp luật từ đầu, để công ty QLQ có cơ hội vi phạm.

Rủi ro đạo đức là rủi ro lớn nhất khi ủy thác đầu tư

Khả năng bị trục lợi kiểu lấy tài sản NĐT đi làm việc khác với nhóm công ty QLQ gần như không có, nhưng một rủi ro khác đối với NĐT khi ủy thác quản lý danh mục là rủi ro đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề tại công ty QLQ.

Rủi ro nặng nhất về đạo đức nghề nghiệp khi nhân sự của công ty QLQ cố tình báo cáo sai sự thật về doanh nghiệp được đầu tư. Báo cáo gửi nhà đầu tư của một công ty QLQ nước ngoài giữa năm 2011 có một đoạn nhận xét về một công ty cổ phần đã niêm yết trên HNX cho rằng, đây là một khoản đầu tư tốt, tiềm năng tăng trưởng cao trong khi doanh nghiệp niêm yết này trong thời kỳ này gặp khó khăn về thanh khoản, phải đối diện với tình trạng nợ đến hạn hàng loạt, thua lỗ và có nguy cơ phá sản.

Rủi ro thứ hai, khó nhận ra hơn là việc một số nhân sự chủ chốt của công ty QLQ có những thỏa thuận ngầm với doanh nghiệp đang cần huy động vốn, để từ đó kích thích dòng vốn chảy từ quỹ vào DN, trong khi bản thân doanh nghiệp không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đầu tư như quy định tại Điều lệ quỹ ban đầu. Trong những trường hợp này, lợi ích cá nhân thường chảy về những người có khả năng ra quyết định tại công ty QLQ và hậu quả thường thấy là hiệu quả đầu tư của quỹ kém, làm suy giảm đáng kể tài sản ròng của quỹ.

Rủi ro thứ ba xảy ra khá phổ biến là hiện trạng quỹ đầu tư vào cổ phiếu OTC với các mức giá thiếu căn cứ để so sánh trực tiếp trên thị trường (như đầu tư vào cổ phiếu niêm yết). Trong những trường hợp này, sự chuyên nghiệp và đạo đức người hành nghề có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sinh lời trên đồng vốn của nhà đầu tư.

Rủi ro thứ tư là công ty QLQ sử dụng tài sản nhà đầu tư ủy thác quản lý tại quỹ để “lập kho hàng” để cho những người có nhu cầu vay để giao dịch. Trong trường hợp này, thường công ty QLQ không dám “qua mặt” nhà đầu tư, nhưng ở đây có một rủi ro pháp lý nghiêm trọng, vì việc cho người khác mượn cổ phiếu để bán, dù được chủ sở hữu thực sự đồng ý, vẫn “chạm” vào một hành vi đang bị cấm trên thị trường.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện