Các bộ không thống nhất về chỉ số tồn kho ngành xi măng
Theo lý giải của đại diện bộ Xây dựng, trong 10 tháng đầu năm, sản xuất xi măng đạt 46,5 triệu tấn so với kế hoạch cả năm (56 triệu tấn), như vậy là đạt được 80% kế hoạch. Trong khi đó, số liệu của bộ Xây dựng thì tồn kho xi măng ở khoảng 2,6 triệu tấn, tương đương 15 – 18 ngày sản xuất. Do đó, số tồn kho luân chuyển là bình thường. Chứ tính tồn kho theo tổng cục Thống kê (theo tỷ lệ) thì sẽ khiến lo ngại là dư thừa lớn.
Đáp lại lập luận của đại diện bộ Xây dựng, ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số tồn kho nói trên là so với chỉ số của 10 tháng đầu năm 2011. Và không có chuyện sai, vì đã thống kê theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trước truy vấn của thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Cao Viết Sinh thì một đại diện khác của tổng cục Thống kê thừa nhận là chưa có chỉ tiêu tồn kho so với tổng mức (để tính chính xác tồn kho các mặt hàng).
Đại diện của bộ Công thương cũng cho rằng khó xem xét số liệu tồn kho, theo tổng cục Thống kê là như thế nào? Chẳng hạn có những doanh nghiệp được thống kê là không tồn thì lại tồn. Có thể nói là chưa có chỉ số xác định thế nào là tồn kho .
Trước diễn biến đó, ông Bùi Hà, vụ trưởng vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (bộ Kế hoạch và đầu tư) đề nghị cần phải cân nhắc lại, vì hiện nay vấn đề tồn kho đang được xem là “nút thắt” của nền kinh tế. Phải tính toán chính xác thì mới tháo được nút.
Theo con số của tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1/10 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 23,9%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 32%, may trang phục tăng 48%, sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 55%, sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 56,5%, sản xuất xi măng tăng 53,1%, sản xuất sắt, thép, gang tăng 38% .
Nguồn SGTT