Cá tra xuất khẩu: Bán 3 đồng, chịu thuế 1 đồng?
Với kết quả đợt rà soát lần thứ 10 mà Hoa Kỳ vừa công bố, con đường xuất khẩu cá tra phile của doanh nghiệp (DN) Việt Nam gần như bị chặn đứng vì phải đóng thuế tới 0,97 USD/kg, trong khi mặt hàng này chỉ bán được với giá hơn 3 USD/kg.
Gánh nặng thuế quá lớn
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 16/1, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng trên công báo liên bang kết quả đợt rà soát lần thứ 10 (POR 10) về việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phile đông lạnh của Việt Nam. Theo đó, các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ ngày 1/8/2012 - 31/7/2013 của 23 doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 0,97 USD/kg, cao gần gấp đôi so với mức thuế sơ bộ 0,58 USD/kg và mức thuế cuối cùng của POR9 (0,42 USD/kg). Các DN khác sẽ chịu mức thuế chung toàn quốc 2,39 USD/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- lo lắng: “Ngay với mức 0,58 USD/kg, DN đã khó có thể tiếp cận thị trường. Hiện lại lên gần 1 USD/kg thì DN xuất khẩu làm sao khi giá bán chỉ được hơn 3 USD/kg?”.
Đáng chú ý, giai đoạn từ ngày 1/8/2012 - 31/7/2013, các lô hàng của Việt Nam đã đóng ký quỹ với mức tạm tính rất thấp là 0,03 USD/kg nhờ kết quả từ đợt POR 7 khi Hoa Kỳ chọn Bangladesh là nước thay thế. Nhưng với kết quả POR 10, DN sẽ phải đóng thêm khoản chênh lệch cho hải quan Hoa Kỳ 0,94 USD/kg. Bởi theo quy định, kết quả các kỳ POR sẽ là mức thuế chính thức áp dụng cho các lô hàng đã xuất trong giai đoạn rà soát và là căn cứ tạm tính cho các lô hàng tương lai.
Như vậy, các lô hàng xuất đi trong năm 2015 cũng bắt đầu chịu thuế 0,97 USD/kg, khiến khoản thuế và ký quỹ mà DN phải đóng nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ lên tới hàng triệu USD.
Nguy cơ “tuột” thị trường
Chịu thuế nhập khẩu cao đồng nghĩa với tăng giá bán, DN Việt Nam có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu cá tra phile sang Hoa Kỳ khi phải cạnh tranh với Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc… |
Không chỉ khó khăn về tài chính, DN Việt Nam còn có nguy cơ “tuột” thị trường Hoa Kỳ khi phải cạnh tranh với Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc… bởi người tiêu dùng Hoa Kỳ có nhiều sự lựa chọn khác nhau với những sản phẩm tương tự.
Trên thực tế, kể từ khi DOC công bố mức 0,58 USD/kg năm 2014 thì số lượng DN tham gia XK cá tra phile vào thị trường này đã giảm mạnh. Từ gần 30 DN xuống còn 8 và từ tháng 7/2014 đến nay chỉ còn 3 DN có khả năng xuất khẩu nhờ được hưởng mức thuế thấp.
Liên quan tới thủ tục pháp lý, trao đổi về hướng hành động của Việt Nam, ông Hòe cho biết, thời gian tới, DN Việt Nam sẽ kiện lên Tòa án Thương mại Hoa Kỳ nhằm yêu cầu xem xét, tính toán lại một số chỉ số. Tuy nhiên, vụ kiện sẽ phải kéo dài hơn 2 năm. Cũng theo ông Hòe, DN Việt Nam vẫn có thể xoay sở theo hướng khác như chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng mà không nằm trong diện bị áp thuế.
“Mặt khác, hiệp hội sẽ tăng cường hỗ trợ DN mở rộng thị trường sang các khu vực tiềm năng khác như châu Á hay khu vực ASEAN thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá tại nhiều quốc gia”- ông Hòe nhấn mạnh.
Theo VASEP, năm 2014, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 337 triệu USD, giảm 11,5% so với năm 2013. Hiện, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cá tra, cá ba sa hàng đầu vào Hoa Kỳ, chiếm 91,43% tổng khối lượng cá da trơn nhập khẩu vào nước này. Theo số liệu của Cục Nghề cá Hoa Kỳ, 9 tháng đầu năm 2014, nước này đã nhập khẩu 72.945 tấn cá tra, cá ba sa từ Việt Nam.
Nguồn Công thương