Cá tra Việt tìm thị trường mới
Trung Quốc trở thành thị trường mới của con cá tra Việt Nam trong năm nay khi tăng trưởng đến 90% so với năm ngoái. Vì vậy, trong thời điểm thị trường Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục khó khăn, Trung Quốc được coi là bến đỗ mới của xuất khẩu cá tra trong năm 2017.
Bất ngờ thị trường Trung Quốc
Ban đầu, sản phẩm cá tra nướng của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn được xuất thử cho một nhà hàng tại Trung Quốc. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm nhà hàng này đã phát triển thành một chuỗi với 100 cửa hàng và sản lượng cá của Vĩnh Hoàn cũng tăng theo. Chẳng hạn, cửa tiệm có tên Kung Fu ban đầu được mở tại sân bay với nhà hàng duy nhất, thì nay họ đã mở ra 600 cửa hàng và nguồn cá đều do Vĩnh Hoàn cung cấp.
Do đó, năm nay, Vĩnh Hoàn đành từ chối đơn hàng vì nguồn nguyên liệu thiếu hụt. Thậm chí, có cả đơn hàng đặt mua đuôi cá nhưng Vĩnh Hoàn không có để bán. “Tiếc đơn hàng nên nhà máy của Công ty đang phải tăng thêm công suất và dự kiến tăng thêm 50% sản lượng xuất sang Trung Quốc vào năm sau”, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vĩnh Hoàn, chia sẻ.
Thời gian gần đây, thị trường ẩm thực tại Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhà hàng được mở liên tục và thu nhập của người Trung Quốc cũng khá hơn nên họ ăn uống cũng ngon hơn. Vì vậy, cá tra được tẩm ướp bằng nguyên liệu tươi tự nhiên nên giá bán rất cao. Lâu nay, sở dĩ giá cá tra luôn bấp bênh là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc doanh nghiệp Việt Nam ồ ạt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá rẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của nước này tìm mọi cách ngăn chặn nhập cá tra qua đường tiểu ngạch để hạn chế tình trạng gian lận thương mại.
Nhiều doanh nghiệp lo sợ bán cho Trung Quốc giá rẻ và chất lượng không cao nhưng thực tế thị trường này có 2-3 phân khúc với giá khác nhau và họ kiểm tra chất lượng rất kỹ, thậm chí còn kỹ hơn cả thị trường Mỹ. Theo bà Khanh, Vĩnh Hoàn đang bán phân khúc cấp cao với giá tương đương xuất sang châu Âu. Giá bán cá tra của Vĩnh Hoàn cao hơn các đơn vị khác 4 lần và định mức đối tác Trung Quốc mua cũng cao hơn cao 7 lần so với các đơn vị khác.
Trong số những thị trường mới của Vĩnh Hoàn như Nam Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Tây Ban Nha, Trung Quốc đang có đà tăng trưởng tốt và dự kiến năm sau, Vĩnh Hoàn sẽ xuất khẩu 100 container sang thị trường này, chiếm 10% doanh thu vào năm 2017.
Theo bà Khanh, thương gia Trung Quốc thường thành lập một hội những doanh nghiệp có nhu cầu mua cá, sau đó họ đặt mua cá cho hội viên với số lượng lớn và giá cũng rẻ hơn so với mua riêng lẻ từng công ty. Phương thức thanh toán là vấn đề nan giải của doanh nghiệp xuất khẩu khi làm ăn với Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm đã đi đường chính ngạch nên thanh toán cũng đơn giản và dễ dàng hơn. Vĩnh Hoàn cũng tìm được giải pháp khá linh hoạt. Khách hàng đến mua trực tiếp thì Công ty bán thẳng, đối với những khách hàng chưa có giấy phép nhập khẩu, Vĩnh Hoàn sẽ xuất qua công ty con tại Trung Quốc và bán lại cho đối tác.
Trung Quốc là thị trường dự phòng cho doanh nghiệp cá tra của Việt Nam. Ảnh: cafef.vn |
Thị trường Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong nhập khẩu cá tra. Nếu như trước đây chủ yếu nhập khẩu phụ phẩm để chế biến thành các sản phẩm, sau đó chuyển sang mua cá phi-lê để chế biến thành phẩm giá trị gia tăng cao để xuất khẩu. Hiện nay, đối tác Trung Quốc bắt đầu chuyển sang mua cá nguyên con với sản lượng lớn để chế biến trong các nhà hàng. “Chính sự có mặt của thị trường Trung Quốc đã khiến thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam năm nay thăng hoa”, bà Khanh cho biết.
Dự phòng cho thị trường Mỹ
Mặc dù thị trường Mỹ chiếm 60% doanh thu của Vĩnh Hoàn nhưng trước những chính sách mới của nước này, Vĩnh Hoàn luôn tìm nhiều giải pháp tương đồng để phòng ngừa những bất ngờ xảy đến. Bà Khanh cho biết Vĩnh Hoàn sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện và chờ phán quyết từ thị trường Mỹ nhưng vẫn tích cực tìm thêm thị trường mới để không bị ảnh hưởng sản lượng xuất khẩu. Trung Quốc là điển hình.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, thị trường xuất khẩu cá tra trong năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhất là với thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Dự đoán thị trường này trong năm 2017 sẽ tăng trưởng 30% so với năm 2016. “Thị trường Trung Quốc là thị trường khá bền vững và có tiêu chuẩn nhập khẩu ở mức cao, tương đương với thị trường châu Âu, chứ không phải tiêu thụ sản phẩm chất lượng thấp. Nếu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, khả năng phát triển ở thị trường này chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Minh nhận định.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng là thị trường dự phòng cho doanh nghiệp Việt bởi thị trường EU tính đến nay đã là năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm sản lượng, có dấu hiệu chững lại với 260 triệu USD năm 2016, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá tra cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi... từ các nước khác.
Mỹ là thị trường tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá tốt trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam và dự báo xuất khẩu 366 triệu USD, tăng 16% so với năm 2015, chiếm 22% tổng giá trị của toàn ngành. “Nhưng thị trường này đang bị mắc kẹt với thuế chống bán phá giá từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Nhiều doanh nghiệp phải chịu mức thuế 0,36 USD/kg đến 0,6 USD/kg. Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ,” ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Bên cạnh đó, Mỹ mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Từ tháng 9.2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các tài liệu chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu. Trước đây, Mỹ xét tiêu chuẩn FSIS cho thịt heo và thịt gia cầm xuất vào Mỹ cho các quốc gia châu Á. Nhưng đến nay, chưa có một quốc gia châu Á nào đạt được chứng nhận tương đồng. Quy định này cho thấy đây là một khó khăn và thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới.
Vấn đề lo nhất của ngành cá tra lúc này không phải là thị trường mà là nguyên liệu cá, sản lượng nuôi của người dân giảm khoảng 30%, bản thân cá nuôi của doanh nghiệp cũng giảm. Vì vậy, trong tháng 11, các nhà máy chế biến cá tra giảm tới 30% công suất so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường tháng 11 trở đi tăng tới 40%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% và kim ngạch đạt hơn 1,7 tỉ USD. Bộ này khuyến cáo, để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần phát triển và trụ vững ở tất cả thị trường hiện có, tập trung khai thác thị trường tiềm năng trong nước.
Tuy nhiên, trước những khó khăn từ các thị trường chính, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, trong năm 2016, các doanh nghiệp đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãy nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỉ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN... Theo ông Minh, thị trường châu Á tới đây có thể tăng gấp 1,5 lần thị trường Mỹ. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, cá tra có mức giá phù hợp với người dân và người dân hiện không an tâm với các sản phẩm sản xuất trong nước. Theo ông Trương Đình Hòe, định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chiếm khoảng 20% của toàn ngành. “Nhưng chúng ta cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, thay vì tập trung vào sản lượng”, ông khuyến cáo.
Về vấn đề này, mới đây, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã tài trợ 48 triệu USD cho 13 nhà cung cấp nội địa của 4 nhà thu mua quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vì, không chỉ có các công ty xuất khẩu cá basa, mà nhìn chung toàn thị trường chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia 46%.
Thanh Hương