Ngọc Minh Thứ Ba | 07/01/2020 08:00

Cá tra tìm đường về nhà

Gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến cá tra tìm đường về thị trường nội địa.

Trước nhiều khó khăn của thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp đang tìm hướng đi riêng cho con cá tra. Từ danh xưng “cá vàng”, nay cá tra đang khiến nhiều doanh nghiệp “mắc kẹt”.

Loay hoay thoát khó 

Tại hội chợ thủy sản cuối năm, cá tra đã có một sàn diễn hoành tráng với hơn 90 món được chế biến bởi những đầu bếp nổi tiếng như ông Quốc Võ, Chiêm Thành Long... đặc biệt món cá tra lắc xoài đã thu hút nhiều người vì sự mới lạ. Đây là chiến lược mới mà Công ty Cỏ May thực hiện nhằm đưa cá tra về thị trường nội địa. “Chúng tôi đang sáng tạo đa dạng sản phẩm chế biến từ cá tra để đưa cá đến bàn ăn của người Việt”, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May, cho biết. Từ đầu năm đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra ảm đạm, giá cá nguyên liệu xuống thấp, doanh nghiệp chịu áp lực. Kết thúc 11 tháng, cá tra Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân chính là giá cá tra nguyên liệu năm nay giảm mạnh và ở mức thấp, tác động lớn tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Theo ông Thiện, hậu quả hôm nay đã thấy cách đây 2 năm khi giá cá khởi sắc nên nhiều người tăng gấp đôi vùng nuôi, dẫn đến mất cân đối cung cầu. Nếu lúa gạo có bệ đỡ là thị trường nội địa trong trường hợp dư thừa sản lượng thì cá tra lại không có kênh tiêu thụ nội địa để hạn chế rủi ro. Cũng trong xu hướng đẩy mạnh thị trường nội địa, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng nghiên cứu sản phẩm mới snack từ da cá và các loại thức ăn vặt từ cá tra. Nhưng dù ở vị trí đầu ngành, Công ty cũng không tránh khỏi khó khăn chung của ngành này.

 

Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tính đến quý III/2019 sụt giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận là 13,3% và 5,3%. Nguyên nhân là vì sản lượng bán và giá bán bình quân giảm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường quan trọng là Mỹ lại có xu hướng giảm (giảm 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Vĩnh Hoàn và Biển Đông là 2 công ty vào được thị trường Mỹ với thuế bằng 0%. Để tiếp tục xuất khẩu cá tra, nhiều doanh nghiệp tìm cách nuôi theo tiêu chuẩn organic.

Thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản (VASEP) cho thấy, hiện nay, nhiều thị trường đã chuyển sang ưa chuộng cá tra fillet hữu cơ như Mỹ, Đức và Nhật. Chẳng hạn, tại Đức, thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu đã tăng sản lượng nhập khẩu tới 36% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm chủ yếu là fillet cá tra organic đông lạnh, cá tra cắt khúc, da cá tra đông lạnh.

 

Các sản phẩm cá tra organic được bán tại Đức với giá từ 9,6-9,78 USD/kg, cao hơn giá bán vào các thị trường khác nhưng người tiêu dùng vẫn chọn. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Công ty Biển Đông đã hình thành vùng nuôi cá tra organic dọc sông Hậu. Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Chất lượng của Công ty Biển Đông, cho biết, vùng nuôi cá tra của Công ty được áp dụng quy trình kỹ thuật có ghi chép sổ tay từ khâu quản lý giống, quản lý nước cấp, ao nuôi, nước thải, nước thủy vực, quản lý thức ăn và chăm sóc...

Trở về dễ hay khó?

Trong cuốn Catfish: A Savor The South® Cookbook do vợ chồng Paul & Angela Knipple biên soạn, đã giới thiệu món “Catfish-Rice Soup with Ginger and Onion - Cháo cá” trong phần Soups and Stews. Đó là món cháo cá đậu xanh từ fillet cá tra của Việt Nam. Họ dùng dầu mè để rang đậu và gạo, tạo ra một hương vị thơm ngon. Thế nhưng, tại thị trường Việt Nam với 100 triệu người tiêu thụ, cá tra lại gần như không tạo được ấn tượng.

Ông Bửu Việt, chủ nhà hàng Ven Sông ở Cần Thơ, cho biết: “Tôi dọn ăn cho khách trong một bữa tiệc tại nhà hàng, ai ăn cũng khen món cháo, chiên lăn bột, món kho... đều ngon. Nhưng khi biết các món đó làm từ cá tra thì họ không còn hào hứng và những lần sau đến quán cũng không gọi các món này nữa”.

Cá tra từng được tạo nhiều phương án để đến với người tiêu dùng Việt nhưng chưa thành công. Đưa ra đối sách tháo gỡ khó khăn cho con cá tra, ông Ngô Phước Hậu, nguyên Tổng Giám đốc Agifish, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, từng có ý đưa cá tra vào bếp ăn quân đội.
 

 

Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ủng hộ vì lượng người trong quân đội lớn sẽ có thể tiêu thụ hết số lượng cá tra tồn kho. Sau vài tháng, cá tra cũng được một số đơn vị ở Quân khu 7 và hệ thống bếp ăn của Quân đoàn 4 tham gia hưởng ứng, nhưng số lượng ít vì nhiều người chê cá mỡ nhiều, ăn ngấy. Một số ít cá tra chế biến sẵn vào được hệ thống siêu thị nhưng người tiêu dùng cũng chưa mặn mà vì sợ tiêu chuẩn chất lượng không tốt.

So sánh cá tra tự nhiên với cá tra nuôi, theo ông Phạm Minh Thiện, Công ty đang cung cấp cá tra cho các bếp công nhân và trường học, chia sẻ cá tra hiện được nuôi rất sạch, được kiểm soát rất chặt trong quá trình nuôi và đối chiếu tiêu chuẩn an toàn của Mỹ, con cá này khá phổ biến trên bàn ăn người Mỹ.

Trong một hội thảo gần đây, ông Chiêm Thành Long, Tổng Giám đốc Khu du lịch Bình Quới chia sẻ, khi đưa cá tra vào nhà hàng, khách sạn, mặc dù đã chế biến bằng nhiều phương pháp khác nhau và đa dạng thực đơn ẩm thực, nhưng thực khách vẫn e ngại. Bên cạnh đó, một trong những lý do cá tra chưa được tiêu dùng phổ biến tại thị trường nội địa là do chưa hình thành được mạng lưới phân phối và điểm bán.

Điều này dẫn đến tình trạng, nhà hàng, khách sạn muốn lấy hàng thì phải đến tận vùng nuôi, hoặc liên kết với đơn vị sản xuất, nuôi trồng nhưng phải tiêu thụ với số lượng lớn. “Vì vậy, quan trọng nhất là làm sao xây dựng được kênh phân phối để cá tra đến tay người tiêu dùng nội địa”, ông Long chia sẻ