Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu cà phê thứ hai của thế giới. Ảnh: Quý Hòa.

 
Hải Vân Thứ Ba | 31/07/2018 08:54

Cà phê Việt hướng tới mục tiêu 6 tỷ USD

Ngành cà phê muốn giữ vững vị trí xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới và nâng giá trị gia tăng lên mức 6 tỷ USD.

Việt Nam sau 30 năm đã vươn lên trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới, từ chỗ chỉ chiếm 1% thị phần. Cà phê trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp.

Mục tiêu thách thức

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao (Vicofa), định hướng phát triển thời kỳ mới của ngành cà phê là giữ vững vị trí xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới và nâng cao giá trị gia tăng lên gấp đôi, mức 6 tỷ USD.

Trên thực tế, định hướng này thực sự là một thách thức khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/19 sẽ đạt 171,2 triệu bao (bao 60 kg) trong khi tiêu thụ toàn cầu cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao.

Lượng cà phê xuất khẩu của hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam đã giảm liên tiếp trong mấy tháng qua. Năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, giảm 19% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với năm 2016, theo Tổng cục Hải quan.

Trong khi đó, giá cà phê theo dự báo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không mấy khả quan. Theo đó, giá cà phê “khó tăng mạnh” thời gian tới, do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện.

Giá cà phê giảm, được giải thích là do dự báo vụ mùa mới năm nay của Brazil sẽ đạt kỷ lục hơn 3,6 triệu tấn, của Việt Nam dự kiến hơn 1,8 triệu tấn, đạt mức cao so với nhiều năm gần đây.

Điều này, khiến cung cà phê toàn cầu sẽ dư nhẹ so với tiêu thụ toàn cầu. Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê năm 2017 đã giảm cả về lượng và giá trị, bất chấp giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt 2.249 USD/tấn, tăng 20,1% so với năm 2016.

Thậm chí, xuất khẩu cà phê tháng 7.2018 ước đạt 115 nghìn tấn với giá trị đạt 216 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,16 triệu tấn và 2,22 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong tháng 7, thị trường cà phê trong nước biến động giảm nhẹ theo xu hướng thị trường thế giới. So với tháng trước, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 100 – 300 đồng/kg xuống còn 34.700 – 35.400 đồng/kg.

Như vậy, việc đi theo định hướng mới của ngành cà phê là không dễ dàng, trong khi những tác động từ biến đổi khí hậu là rất khó lường trước và quy mô trồng cà phê nhỏ lẻ. Năm 2017, tổng số nông hộ tham gia trồng cà phê lên tới trên 560 ngàn hộ, mỗi hộ sở hữu từ 0,5 đến 1ha.

Kết quả khả thi

Cà phê tiếp tục được xác định là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho rằng, việc đưa ra định hướng phát triển thời kỳ mới vào thời điểm này là phù hợp.

Ca phe Viet huong toi muc tieu 6 ty USD
 

Một tin tốt cho ngành cà phê Việt Nam, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018, thị phần lần lượt là 12,4% và 10,2%.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu cà phê trong nửa đầu năm 2018 tăng mạnh, theo đó Indonesia tăng gấp 8,9 lần, Nga tăng 63,4%) và Philippin tăng tới 61,1%.

Xuất khẩu cà phê sang Indonesia tăng mạnh là do vụ thu hoạch chính của nước này vào thời điểm cuối năm. Do đó, để đủ lượng cà phê giao dịch, tiêu thụ nội địa, hoặc tái xuất, Indonesia phải tăng mua từ một số thị trường có lượng cà phê dự trữ lớn như Việt Nam.

Ông Tự, người có kinh nghiệm về thương mại quốc tế, cũng cho rằng, việc giữ vững vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới và nâng giá trị gia tăng lên mức 6 tỷ USD là khó, nhưng có thể làm được.

Chủ tịch Vicofa đề xuất 3 giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Chẳng hạn, với lĩnh vực sản xuất, “Chính phủ cho chủ trương tái canh” cây cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Ca phe Viet huong toi muc tieu 6 ty USD

Hiện nay, ngoài 120.000 ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh và đã ngừng, nay lại có thêm 100.000 ha đến thời kỳ tái canh. Năm 2017 tổng diện tích cà phê của cả nước là trên 664 ngàn hecta nhưng năng suất bình quân đạt chỉ 2,3 tấn/ha

Chủ tịch Vicofa cho rằng, trước mắt là cho phép ngành cà phê tiếp tục thực hiện NĐ 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển Nông nghiệp, nông thôn.

Vicofa cũng đề suất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cho nông dân các tỉnh trồng cây che bóng và xen canh không quá 90 cây ăn quả trong 1ha cà phê. Cạnh đó là mở rộng liên kết 4 nhà: Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhà khoa học và nông dân.

Theo Vicofa, việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng VietGap, 4C, và các chứng chỉ khác cho 40% diện tích còn lại, cũng như hái chín 85%, đầu tư sân phơi và lưới phơi, sẽ giúp đảm bảo chất lượng cà phê nhân.