Thứ Bảy | 30/08/2014 15:58

Cà phê cuối vụ: giá tăng, mua bán vẫn cứ căng?

Hết tháng 8, chỉ còn một tháng nữa là kết thúc vụ 2013/14 nhưng trong tháng qua, giá kỳ hạn đảo điên bao nhiêu, thị trường nội địa yên ắng bấy nhiêu.
Giá vượt đáy lên lại từ mươi ngày nay, mua bán vụ mới như muốn khởi động nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho thương trường trong niên vụ mới.

Giá dâng cao cuối tháng

Hôm qua, thứ Sáu 29/8, là ngày giao dịch cuối cùng của tháng 8. Trước mắt, còn một tháng nữa là hết niên vụ cũ.

Giao dịch mua bán hàng thực trên thị trường nội địa trong tháng qua không nhiều dù đang ở trong đoạn cuối mùa, giao động giữa mức thấp và cao rất đáng ghi nhận.

Giá cà phê nguyên liệu trên các tỉnh Tây Nguyên ngay từ ngày đầu tháng 8/2014 đã lên nhanh mức 42 triệu đồng/tấn nhưng rồi “xìu” xuống chỉ còn 38 triệu đồng/tấn cách nay chừng mươi ngày. Giá thấp, thị trường bải hoải, không ai muốn mua bán, hàng hóa hầu như nằm cứng một chỗ. Thế mà bất ngờ vào những ngày cuối tháng, giá lại dội tăng ngược lại, lên mức trên 40,7 triệu đồng/tấn vào sáng nay thứ Bảy 30/8, cao hơn 700 ngàn đồng/tấn so với cuối tuần trước.

Thay vì bán chốt giá ngay, đây đó đã có những hợp đồng bán có “giá chốt sau”, một số hợp đồng loại 1 loại sạch đã gút ở mức chừng cộng quanh mức 100 USD/tấn trên giá niêm yết sàn robusta giao hàng từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015.

Trên sàn kỳ hạn London, giá tăng mạnh ở hai phần đầu và cuối tháng nhưng lại trầm xuống ở giai đoạn giữa tháng. Nếu như giá đóng cửa của sàn robusta London chốt mức 2.093 USD/tấn vào ngày 1/8, thì đến 19/8 chỉ còn 1.947 tức giảm 146 USD/tấn. Khuya hôm qua thứ Sáu 29/8 tăng lên lại mức 2.055 USD/tấn, như vậy giảm 38 USD/tấn nhưng lại tăng 108 USD/tấn so với mức thấp nhất trong tháng.

Giá tăng, bẫy giăng

Ai đã vuột mất cơ hội bán ra khi giá 41-42 triệu đồng/tấn, hy vọng lại trở về. Thay vì họ bán quanh mức 40,7 triệu đồng/tấn để có ngay giá cuối cùng, thì nay muốn bán giá chốt sau (price-to-be-fixed) để thử thời vận. Đây chính là hình thức bán xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (differential) giữa giá giao qua lan can tàu (FOB) so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn.

Nhờ giá kỳ hạn tăng, lại gặp trong thời “giáp hạt” ít mua ít bán, nhiều người nôn nóng bắt đầu muốn bán một số hợp đồng theo giá chênh lệch hay còn gọi là “trừ lùi” hay “cộng tới” với hy vọng sau này giá tăng sẽ chốt được giá bán cao hơn.

“Nếu kẹt do hàng hay vốn bị ứ đọng không bán được hoặc do giá thành cao hay vì một lý do nào đó, bán xuất khẩu dựa trên chênh lệch một tỉ lệ vừa phải để thử thời vận, thì có thể chấp nhận. Nhưng nếu đua nhau bán theo cách này như đã từng xảy ra trong những năm đầu thập niên 2000, bấy giờ người người tranh nhau bán “trừ lùi”, sẽ dễ tạo thành sức ép bán ra, gây giá giảm mạnh, thiệt hại lớn không riêng gì cho các nhà xuất khẩu mà nông dân là nạn nhân chính. Trong các năm ấy, giá cà phê nguyên liệu chỉ còn 4,2-4,5 triệu đồng/tấn, bấy giờ nhiều người so sánh “giá một cân cà phê không bằng một ki-lô cà pháo”, một nhà phân tích thị trường nói.

“Thời ấy còn ít rủi ro mà giá xuống đến vậy, huống gì hiện nay đầu cơ ngành hàng còn giữ trong tay 85.000 tấn robusta đạt chuẩn treo trên sàn kỳ hạn, ngoài ra còn đến cả 200.000 tấn đang nằm sẵn tại các kho nội/ngoại quan nước ta và tồn kho đâu nữa ta không hề biết”, ông nói.

Khi mua giá chốt sau, người mua hay nhà nhập khẩu phải treo lượng mua được lên sàn kỳ hạn để sẵn sàng chốt giá khi bên bán có nhu cầu bán. Tình trạng này được gọi là “bán khống theo hợp đồng mua bán chênh lệch với giá niêm yết” (long differential). Chính vì vậy, lượng hàng phải bán lấy giá của sàn kỳ hạn làm tham chiếu đều lộ tẩy chứ không hề là một bí mật chỉ có bên mua và bên bán biết như nhiều người lầm tưởng. Tại thời điểm bán “trừ lùi” mạnh ở đầu vụ, có lúc đến 400-500 nghìn tấn như trước đây, khi bị kích với những tin đồn bất kỳ và bất lợi, người bán đua nhau chốt giá, càng bán giá càng rớt, thì làm sao giá cà phê không bằng một cân cà pháo? Huống nữa, hiện nay, bên mua đang có sẵn trong tay mấy trăm ngàn tấn để làm mồi trên sàn. Giá tăng hay giảm, trong tay họ quyết định. Nếu đua nhau bán theo hợp đồng chênh lệch, tức tự mình đưa mình “vào rọ”, cách nói được nhiều nhà xuất khẩu thường dùng để diễn tả cảnh mua bán ấy.

Người mua thường chờ sức ép bán ra ở thời điểm đầu vụ là thế, vì giá niêm yết và giá trừ lùi hay cộng tới sẽ mềm hơn. “Theo tôi, muốn giữ được giá kỳ hạn quanh mức này, ở thời điểm cụ thể hiện tại, đua nhau bán hợp đồng giá chốt sau là chính mình đặt chân vào bẫy và hết sức phiêu lưu,” nhà phân tích kết luận.

Xuất khẩu giảm: mừng hay lo?

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng 8/2014 của nước ta ước đạt 1,5 triệu bao (bao = 60 kg), tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tính cả 11 tháng đầu niên vụ 2013/14, ước cả nước xuất khẩu chừng 25 triệu bao hay tăng 10,22% so với cùng kỳ của mùa trước đó. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2014, ước nước ta xuất khẩu được 1,22 triệu tấn hay tăng 26,9% so với cùng kỳ niên năm 2013.

Như vậy, đây là tháng thứ ba liên tiếp lượng xuất khẩu cà phê nước ta giảm dưới 100 nghìn tấn/tháng.

Thực tế thị trường đang đặt ra bài toán cân não cho ngành cà phê nước nhà. Sản lượng cà phê to hay nhỏ chưa phải là vấn đề quan ngại, chuyện đang quan tâm hơn là 95% sản lượng cà phê nông dân làm ra được dùng để xuất khẩu. Nên, câu hỏi lớn nhất là bán, bán thế nào và bán lúc nào?

Nguồn thesaigontimes


Sự kiện