Cà phê Colombia đang mất dần sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế
Trong khoảng từ năm 2010-2011, giá cà phê arabica tăng vọt khi thời tiết xấu làm sản lượng Colombia giảm mạnh. Năm nay, cà phê Colombia một lần nữa hứng chịu thời tiết xấu, bao gồm cả mưa lớn kéo dài, cho thấy sản lượng có thể giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường cà phê dường như không phản ứng nhiều với thông tin này. Điều này cho thấy "thời kỳ hoàng kim" của cà phê arabica dường như đã qua.
Keith Flury, chuyên gia hàng hóa tại Rabobank tại London cho biết việc giá cà phê tăng trong vài năm qua chủ yếu mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất cà phê nhỏ hơn tại khu vực Trung Mỹ thay vì Colombia. Giá cao đã thúc đẩy các nước trồng trên diện tích lớn hơn, đầu tư nhiều hơn vào quá trình trồng trọt, thiết bị, thuốc trừ sâu và phân bón. Cà phê của các nước này cũng dần khẳng định được chỗ đứng trên trường thế giới.
Năng suất và khối lượng cà phê xuất khẩu của Peru tăng 25% trong vòng 5 tháng tính đến tháng 2 năm nay, trong khi xuất khẩu cà phê của Honduras tăng 22% và của Mexico tăng 40%.
Mặc dù Colombia vẫn là một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica, sản lượng cà phê nước này đã chịu 4 vụ mùa thất thu do thời tiết xấu, Tổ chức cà phê thế giới cho biết.
Sản lượng cà phê Colombia trong năm 2011 đạt tổng cộng 7,8 triệu bao 60kg, giảm mạnh so với sản lượng 12,5 triệu bao năm 2007. Trong cùng thời gian đó, sản lượng cà phê arabica Peru tăng 80% lên 5,4 triệu bao, sản lượng cà phê Honduras tăng 18% lên 4,5 triệu bao.
Mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản lượng cà phê Peru đã dấy lên một sự dịch chuyển trên thị trường cà phê thế giới. Nước này thậm chí xuất một lượng đáng kể cà phê sang Colombia. Trong khi đó, đất nước vùng Nam Mỹ - Brazil thì đang bơm tiền đầu tư sản xuất cà phê chất lượng cao hơn.
Alessandro Polojac, chủ tịch Hiệp hội cà phê Comitato Italiano tin rằng Colombia sẽ khó có thể lấy lại được thị phần khi giá cà phê các nước Trung Mỹ khác rẻ hơn mà chất lượng đang được cải thiện.
Nguồn FT/Khampha