Cà phê có chứng nhận bền vững khó bán
Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, cà phê là ngành hàng đang đi tiên phong trong việc phát triển bền vững. Đến nay, đã có trên 200 ngàn ha được các chứng nhận bền vững khác nhau, trong đó nhiều nhất là tiêu chuẩn 4C.
Ông Đỗ Ngọc Sỹ, đại diện Hiệp hội 4C tại Việt Nam, cho biết, đến tháng 10/2013, đã có khoảng 145 ngàn ha cà phê đạt tiêu chuẩn bền vững 4C (tiêu chuẩn bền vững cơ bản để nâng cấp lên các tiêu chuẩn bền vững cao hơn), với sản lượng trên 500 ngàn tấn.
Đã có khoảng 82 ngàn hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê theo tiểu chuẩn 4C, nhờ đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức của người trồng cà phê trong việc phát triển bền vững, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc BVTV, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Ông Nguyễn Tấn Trung, một hộ nông dân trồng cà phê ở Di Linh (Lâm Đồng) cũng xác nhận: “Chương trình cà phê bền vững đã mang lại lợi ích cho những nông dân tham gia nhờ được tiếp nhận tiến bộ KHKT về bón phân cân đối và hiệu quả, tưới nước hợp lý, áp dụng biện pháp chế biến phơi nguyên nên đã nâng cao chất lượng cà phê”.
Nhìn chung, các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân tham gia vào chương trình bền vững cho cây cà phê, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, đều đánh giá cao chương trình này.
Bằng chứng là sau khi triển khai chương trình 4C trên diện tích 19.121 ha với sản lượng 63.975 tấn, Tập đoàn Intimex đang dự kiến tiếp tục triển khai để nâng diện tích cà phê 4C lên gần 30 ngàn ha với sự tham gia của khoảng 20 ngàn hộ dân, sản lượng đạt 110 ngàn tấn.
Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay của cà phê được chứng nhận bền vững là ở khâu tiêu thụ. Một sản lượng không nhỏ cà phê có chứng nhận 4C hiện chưa được thu mua bởi các tập đoàn lớn, dù năm ngoái, các nhà rang xay hàng đầu đang có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đã cùng cam kết sẽ thu mua hết sản lượng cà phê có chứng nhận 4C.
Với cà phê có chứng chỉ UTZ, cũng chỉ mới có khoảng 50 ngàn tấn được tiêu thụ trong tổng số trên 140 ngàn tấn đã sản xuất. Theo ông Đỗ Hà Nam, TGĐ Tập đoàn Intimex, khó khăn nổi bật trong năm qua đối với việc thu mua cà phê 4C là tình trạng gian lận thương mại thuế GTGT. Chính tình trạng này đã khiến cho giá thu mua cà phê không có hóa đơn chứng từ lại cao hơn so với giá cà phê mua có hóa đơn. Mà khi mua cà phê có chứng nhận bền vững bắt buộc phải có hóa đơn.
Do đó, đã có những thời điểm Intimex không dám ký hợp đồng 4C vì dù đã dùng cả 40 USD (giá thưởng cho mỗi tấn thu mua, trong đó nông dân hưởng 15 USD) để hỗ trợ mà cũng không mua được hàng. Thành ra, tỷ trọng tiêu thụ cà phê 4C của Intimex chỉ đạt 53% so với sản lượng nông dân sản xuất ra. Ông Nam khẳng định: “Chính hành vi gian lận thuế GTGT đang là trở ngại lớn đối với chương trình cà phê bền vững”.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Trung, do có giá thưởng đối với cà phê canh tác bền vững nên đang có tình trạng nhiều diện tích canh tác cà phê được đăng ký tham gia một hoặc hai chứng nhận bền vững của hai công ty khác nhau.
Mục đích của trò “bắt cá 2 tay” này là nhằm hưởng lợi từ giá thưởng (không cần bán sản phẩm mà vẫn có tiền thưởng). Do đó, trên thực tế diện tích và sản lượng cà phê có chứng nhận bền vững có thể thấp hơn nhiều so với con số thống kê.
Dầu vậy, tình trạng cà phê có chứng nhận bền vững đang khó tiêu thụ là một thực tế cần phải được giải quyết sớm. Có như vậy, mới có thể hướng tới mục tiêu đến 2015 khoảng 50% diện tích cà phê (300 ngàn ha) và đến 2020 là 80% (480 ngàn ha) được triển khai sản xuất theo hướng bền vững.
Theo Sơn Trang
Nguồn CafeF