Cả nước tồn kho 500.000 tấn titan
Cung vượt cầu 3 - 4 lần
Báo cáo của Hiệp hội titan Việt Nam cho biết, trữ lượng titan trong nước ước khoảng 658 triệu tấn. Đến thời điểm hiện nay, có 32 giấy phép với tổng công suất sản xuất là 1.260 nghìn tấn còn hiệu lực, chưa kể 43 dự án sẽ được cấp mới trước năm 2020 đã dẫn tới tình trạng cung vượt cầu gấp 3-4 lần.
Lượng tồn titan trong nước hiện đã lên đến gần 500.000 tấn. Riêng Bình Định, một trong những tỉnh được coi là trung tâm phát triển công nghiệp khoáng sản titan cũng đang tồn 301.000 tấn trong khi giá cả đang có chiều hướng giảm mạnh.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch Hiệp hội titan Việt Nam, cho rằng, Nhà nước nên giảm thuế xuất khẩu titan các loại từ 15% - 30% hiện tại xuống 7% - 10% tùy loại.Theo ông Lịch, việc giảm thuế xuất khẩu titan sẽ giúp giải quyết vấn đề dư thừa titan trong nước, giúp giảm hàng tồn kho cũng như chống xuất lậu.Titan là loại kim loại nhẹ, cứng dùng trong lĩnh vực quân sự, hàng không… |
Theo ông Nguyễn Văn Tống, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (BIMICO), việc tồn kho xuất khẩu lớn đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào bờ vực phá sản và cần phải ngăn chặn việc xuất lậu quặng titan thô ra nước ngoài trá hình bằng cách bán cho các đơn vị trung gian hoặc tránh tình trạng tỉnh này cấm còn tỉnh kia lại cho phép.
Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng nhà máy để gia tăng giá trị sản phẩm là điều doanh nghiệp nào cũng muốn, nhưng để làm lại không dễ bởi phải cần một lượng vốn lớn, công nghệ lại phức tạp, trong khi việc giải ngân lại không ít khó khăn.
Ông Đặng Xuân Huề, Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình chia sẻ, nếu Nhà nước cấm xuất khẩu titan sẽ gây hệ lụy rất lớn như tồn kho nhiều, hàng nghìn lao động mất việc làm. Tiếp đến là hàng trăm tỷ đồng đổ vào dự án sẽ biến thành sắt vụ và tất yếu phải phá sản.
Do vậy, cần sớm quy hoạch phân vùng thăm dò để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, đặc biệt là các dự án chế biến sâu nhằm ổn định sản xuất và phát triển. Hơn nữa, xem xét điều chỉnh giảm các loại thuế, phí đối với sản phẩm quặng titan, khơi thông thị trường giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay để triển khai dự án.
"Nếu cấm thì cấm luôn, còn không thì phải có hướng giải quyết cho doanh nghiệp, cụ thể là cho phép được gia hạn xuất khẩu nhằm tiêu thụ hết hàng tồn kho và ổn định đời sống lao động," ông Huề kiến nghị.
Sẽ quy hoạch cứng việc khai thác, chế biến
Thực tế việc dừng xuất khẩu quặng titan đã có lộ trình từ năm 2008 và đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ gia hạn xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, tiến độ các dự án chế biến sâu rất chậm, không theo đúng quy hoạch nên có sự chênh lệch cung-cầu lớn.
Mặt khác, do nhu cầu quặng tinh titan thế giới tăng cao nên số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác, tuyển thô quặng titan tăng khá nhiều. Điều đáng nói, những đơn vị này không đủ tiềm lực chuyên môn, khai thác bừa bãi, làm thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường, xuất lậu quặng thô, gây thiệt hại kinh tế đất nước.
Hiện Bộ Công thương đang trình Chính phủ xem xét để cho xuất khẩu một số lượng khoáng sản còn tồn kho cao nhưng hạn cuối cùng cũng chỉ đến hết năm 2012 nhằm giải quyết bớt những tồn tại từ trước.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Công Thương cũng kêu gọi các doanh nghiệp titan cần đẩy mạnh việc phát triển theo hướng liên kết, hợp tác chặc chẽ trong vùng và từng bước đổi mới công nghệ theo hướng tăng giá trị của sản phẩm.
Với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác cũng như xuất khẩu khoáng sản, Bộ Công thương đang tính toán, phân loại cụ thể từng loại khoáng sản và có đánh giá tổng thể để giúp cho việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả hơn.
Trong quy hoạch ngành, Bộ Công thương đề xuất chỉ chia làm hai mức, đó là sản phẩm titan còn nguyên để chế biến cần phải tận thu (nấc 1) và sản phậm tận thu cuối cùng trình Quốc hội xem xét quyết định biểu thuế phù hợp.
"Quan điểm của Chính phủ về titan là quy hoạch cứng, nếu có dự án phát sinh trong quá trình thực hiện sẽ phải xem xét rất kỹ lưỡng," ông Quân nhấn mạnh.
Nguồn vietnamplus