Cá nhân vay vốn nước ngoài không dễ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, trong đó có quy định: “Người cư trú là cá nhân thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của Chính phủ”. Thực tế, điều 17 của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã có quy định: “Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của NHNN. NHNN xác nhận đăng ký khoản vay trong phạm vi tổng hạn mức vay vốn nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm. Người cư trú được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài và sử dụng các hình thức bảo lãnh, tái bảo lãnh và các hình thức bảo đảm khoản vay khác”. Tuy nhiên, 8 năm trôi qua, chưa có cá nhân nào thực hiện được việc vay nước ngoài khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ NHNN.
Lừa cho vay vốn ảo
Trong khi đó, thời gian qua nhiều người dân cũng như doanh nghiệp (DN) bị những kẻ cò mồi lợi dụng để lừa đảo. Mồi câu chính là khoản ngoại tệ ảo từ Việt kiều nước ngoài rót về.
Cuối năm 2011, Cục An ninh tài chính tiền tệ đầu tư thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã điều tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn một công ty đã ký kết 165 hợp đồng cho vay có dấu hiệu lừa đảo. Theo kết quả điều tra, bà Le Jannie Uyen (57 tuổi, Việt kiều Mỹ) có trong tay 5 văn bản bằng tiếng Anh với nội dung ông Francisco E.DeLos Santos (quốc tịch Philippines) ủy quyền cho bà Le sử dụng tài khoản ở 5 ngân hàng Việt Nam với tổng số tiền hàng tỉ USD. Bà Le đã nhờ cháu bà là Ngô Thị Thúy Hằng (22 tuổi, trú Q.10, TP.HCM) thành lập Công ty cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện có trụ sở tại đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM), ngành nghề là xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính… với vốn điều lệ 2 tỉ đồng. Từ ngày cuối 2010 đến ngày 2.1.2011, công ty này đã ký hợp đồng cho 165 DN trong cả nước vay tổng số tiền lên đến hơn 433.000 tỉ đồng. Tất cả các hợp đồng cho vay, các bên ký thành 4 bản nhưng công ty này đều giữ, không giao cho các DN. Ngoài ra, trong các hợp đồng, DN phải cam kết thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; cam kết trả phí làm hồ sơ, phí chuyển tiền (12%/tổng số tiền được vay) và phí tư vấn (3%/tổng số tiền được vay). Khi cơ quan an ninh vào cuộc đã xác định được số tiền trong các tài khoản không có thật. Tên của tài khoản này đều không phải là ông Francisco E. De Los Santos.
Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã bắt Hoàng Ánh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Hưng Hợp Lực) về hành vi giả mạo làm thủ tục cho các DN, trong đó có một DN ở Hà Tĩnh, vay vốn nước ngoài hàng chục triệu USD để chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Vào ngày 25.10.2010, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt 2 án chung thân, 1 án tù 10 năm cho 3 bị cáo Đỗ Phương Thảo, Yen Ji Sheng (quốc tịch Đài Loan) và Nguyễn Tiến Tranh do liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng của các cá nhân là lãnh đạo DN Việt Nam dưới hình thức hứa hẹn cho vay vốn để làm dự án. Thảo và Yen đã cùng dựng lên nhiều giấy tờ giả có nguồn tiền lớn ở một số ngân hàng nước ngoài và "loan tin", họ có rất nhiều tiền nhưng cần giải ngân và muốn cho các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam vay để làm dự án.
Cần khung pháp lý cụ thể
Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, những vụ án trên không phải là hiếm, nó cho thấy nhu cầu khát vốn của cá nhân, cũng như DN gặp khó khăn trong nước phải tìm đến nguồn vốn nước ngoài. Chính hệ thống pháp luật không đầy đủ, không có hướng dẫn khiến người dân, DN không biết đi đường nào, gặp ai để vay, nên dễ mắc lừa những kẻ lừa đảo. Vì vậy, tới đây theo TS Doanh, cần phải có một khung pháp lý, có hướng dẫn thật đầy đủ, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ đối với giao dịch như vậy.
Từng là Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng quy định cho phép cá nhân được vay vốn nước ngoài là quá tốt đối với nền kinh tế đang thiếu vốn như VN. Các cá nhân vay nước ngoài là đem ngoại tệ về bán cho các NHTM, các NHTM bán lại cho NHNN để tăng dự trữ quốc gia. Quy định nêu rõ cá nhân tự vay và tự chịu trách nhiệm. Người vay sẽ có những điều kiện khắt khe khi cho vay nên trong trường hợp người đi vay không trả thì rủi ro thuộc về người cho vay. TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường đại học Ngân hàng TP.HCM lại cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, tuy nhiên trong điều kiện quản lý hiện nay thì phải cân nhắc kỹ vì nợ cá nhân cũng được tính vào hệ số tín nhiệm quốc gia.
(Theo Thanh niên)