Cá ngừ Việt thấy đường sang Nhật?
Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho biết, đây là bước đầu tiên nhằm mở cánh cửa đưa sản phẩm cá ngừ đại dương đặt chân vào thị trường có sức tiêu thụ lên đến 600.000 tấn/năm.
Từ biệt lối đánh bắt truyền thống
Tham dự sự kiện trên, có đại diện Hội Hữu nghị Nhật -Việt vùng Sakai - những người hướng dẫn và chứng kiến giây phút 5 bộ thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương Nhật Bản được ngư dân Việt Nam lắp đặt, thao tác trên chính con tàu của mình. Bình Định hiện có 2.750 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên, thu hút gần 30.000 lao động hành nghề đánh bắt xa bờ.
Trong tổng sản lượng 200.000 tấn hải sản mỗi năm, cá ngừ đại dương chiếm chừng 10.000 tấn. Tuy được xác định là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, song mặt này luôn bấp bênh, bế tắc đầu ra. Ngư dân địa phương hầu như không có cơ hội tiếp thị nào khác ngoài các vựa thu mua trôi nổi luôn chực chờ ép cấp, ép giá. Đã từng có nhiều thời điểm, giá cá rớt thê thảm xuống dưới 50.000 đồng/kg (hiện là 84.000 - 86.000 đồng/kg).
Trong các lý do, có lý do từ lối đánh bắt truyền thống khiến con cá trước khi xuất bán bị quăng quật, bầm giập ở nhiều công đoạn. Thời gian lênh đênh trên biển của một chuyến đánh bắt kéo dài gần 1 tháng càng làm tổn thương tới chất lượng cá. Ông Lộc nhớ lại: “Cuối năm 2013, chúng tôi thử đưa 5 con sang chào hàng tại Nhật. Kết quả, có 4 con bị thải loại thẳng thừng. Con còn lại được chấp nhận thì cũng là theo kiểu ít nhiều có... du di”.
Tiến đến đánh bắt kiểu Nhật
Nỗ lực kết nối kiên trì trong 2năm 2012, 2013 giúp cá ngừ Bình Định thiết lập được “nhịp cầu tương trợ” là Hội Hữu nghị Nhật - Việt Sakai. Ông Hirosuke Kato - Phó Chủ tịch tổ chức này - bày tỏ: “Chúng tôi đưa ra giải pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngư dân địa phương sau khi đã tiến hành khảo sát thực tế. Công cụ mới giúp nâng giá trị cá ngừ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hội hữu nghị Nhật - Việt Sakai sẵn sàng hợp tác để cá ngừ Bình Định trở thành thương hiệu lớn ở Nhật Bản”.
Chuyên gia thủy sản Công ty Kato Hitoshi General Office nói thêm: “Trong 600.000 tấn cá ngừ đại dương tiêu thụ mỗi năm, Nhật phải nhập tới 300.000 tấn. Chỉ 100.000 tấn là cá tươi, còn lại là hàng đông lạnh. Sản lượng cá ngừ Bình Định và rộng hơn, của cả Việt Nam (khoảng 30.000 tấn/năm) rõ ràng là quá ít.
Điều quan trọng là các bạn phải cải thiện chất lượng. Nhiều nước xuất khẩu cá sang Nhật Bản cũng sử dụng bộ ngư cụ do chúng tôi cung cấp. Tôi tin, sự thành công của Bình Định sẽ là tiền lệ tốt để mô hình có cơ hội áp dụng rộng rãi trong cả nước”.
Công cụ chuyển giao cho nhóm ngư dân La Tình, Nguyễn Quê (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) hôm 10.6 là một tổ hợp thiết bị gồm máy thu câu tự động, máy phát xung điện cùng dụng cụ xử lý cá ban đầu. Đây là những mặt hàng được tỉnh Bình Định xuất ngân sách hỗ trợ cho một đội tàu mẫu gồm 5 chiếc. “Hiện tại, chúng tôi đã tổ chức hệ thống kiểm định, đánh giá, thu mua vận chuyển đồng bộ theo yêu cầu từ đối tác Nhật Bản.
Cá đánh bắt theo mô hình này được Công ty CP Thủy sản Bình Định mua cao hơn giá thị trường 20%, được chở sang Nhật bằng máy bay. Tính từ lúc rời khỏi mặt biển đến khi có mặt ở trung tâm đấu giá Sakai, thời gian không quá 10 ngày. Đầu tư cho mô hình đánh bắt kiểu Nhật không lớn, chỉ khoảng 300 triệu đồng cho cả thiết bị, tập huấn, chuyển giao công nghệ lẫn nâng cấp hầm chứa.
Một mức chi phí như vậy sẽ dễ dàng được ngư dân chấp nhận. Lộ trình chuyển đổi, vì vậy sẽ không kéo dài. Trước mắt, Bình Định tập trung chăm chút cho đội tàu hiện hữu. Xa hơn, chúng tôi kỳ vọng nghề đánh bắt cá ngừ đại dương sẽ phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhờ được tiếp sức từ gói tín dụng ưu đãi đóng mới tàu vỏ thép đang được Chính phủ và các ngân hàng triển khai"- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay.
Nguồn Lao động