Cà Mau có thể nằm dưới mực nước biển trong vài thập kỷ tới
Theo kết quả nghiên cứu của TS. Kjell Karlsrud, chuyên gia Viện Địa kỹ thuật hoàng gia Na Uy, khai thác nước ngầm quá mức để sinh hoạt, trồng màu và nuôi thủy sản… là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt lún ở bán đảo Cà Mau.
Qua kết quả thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 109.000 giếng bơm, lưu lượng nước sử dụng 373.000 m3/ngày đêm. Đây là mức sử dụng nước ngầm quá mức, gây ra tốc độ sụt lún mặt đất ngày càng cao, bình quân từ 1,9 đến 2,8 cm/năm. Hậu quả của sụt lún dẫn đến mất đất tự nhiên, rừng ngập mặn suy giảm dẫn đến khả năng xói mòn mạnh hơn và sóng biển dâng cao; xâm nhập mặn…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết việc sụt lún ở Cà Mau rất phức tạp, ngày càng tăng nên cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, địa phương và thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó cần áp dụng giải pháp giảm thiểu khai thác nước ngầm; áp dụng giải pháp nuôi thủy sản tiết kiệm nước hơn; tạo bãi bồi ven biển để phát triển rừng ngập mặn…
Nguồn Pháp luật TPHCM