Thứ Năm | 10/12/2015 11:15

Cá da trơn sang Mỹ có thể thoát cảnh bị giám sát

Các thượng nghị sĩ đề nghị Quốc hội Mỹ bãi bỏ quy định mới về giám sát cá da trơn vì cho đây là điển hình của việc bảo hộ thị trường.

Trang tin chuyên về thủy sản của Mỹ là Undercurrent News hôm 9/12 đưa tin, nghị quyết này được hai thượng nghị sĩ đồng bảo trợ phù hợp với Luật giám sát của quốc hội Mỹ. Theo đó, nếu được thông qua, nghị quyết này có thể phủ quyết các quy định về giám sát cá da trơn mới được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trước đó.

"Chúng tôi tự hào khi tiếp tục đấu tranh xóa bỏ các quy định về giám sát cá da trơn do USDA đưa ra. Quy định này đúng là một sự lãng phí tiền thuế và là ví dụ điển hình của việc bảo hộ thị trường", hai thượng nghị sĩ McCain và Ayotte nói trong thông cáo báo chí.

Theo thông cáo trên, chính quyền của Tổng thống Obama đã thông qua chương trình giám sát này bất chấp thực tế Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã thực hiện các biện pháp thanh tra trên lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, văn phòng Giải trình Trách nhiệm của Chính phủ (GAO) đã nhiều lần cảnh báo rằng các quy định mới về cá da trơn sẽ gây lãng phí, trùng lắp, và khơi mào việc trả đũa từ các đối tác châu Á - Thái Bình Dương với hàng nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ.

"Nếu thực hiện theo chương trình này, người Mỹ sẽ phải chi thêm 15 triệu USD tiền thuế để trả cho các hoạt động thanh tra của USDA. Trong khi đó, mục đích thực sự của chương trình chẳng là gì khác ngoài việc tạo nên một rào cản thương mại đối với các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài để bảo vệ lợi ích của một số ít người nuôi cá ở miền Nam nước Mỹ", ông McCain và Ayotte nói.

Trước đó, ngày 26/11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành quy định mới đối với các nhà cung cấp cá tra trong đó yêu cầu phải giám định tại chỗ các trại nuôi và nhà máy chế biến. Dự kiến quy định mới này sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2016 và được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng nhằm giúp các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian chuẩn bị những thay đổi cần thiết trước khi đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của USDA.

Nguồn Zing