Thứ Hai | 16/05/2016 13:00

Cá chết, xuất khẩu thủy sản vẫn bình thản

Trong 1 tháng xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, giá cổ phiếu thủy sản không có nhiều biến động, nhưng cũng không ai dám khẳng định trước tương lai.

Đã một tháng kể từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tình hình chưa thật sự lắng dịu. Địa bàn cá chết đã mở rộng và không chỉ thủy hải sản sống ở các tầng nước sâu mà nhiều nơi, cá tôm nuôi trong bè, trong lồng cũng chết. Trước mắt, thiệt hại đã được đo đếm. Theo số liệu sơ bộ, hơn 100 tấn cá chết dạt vào bờ. Quảng Bình và Quảng Trị là hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất, với mức thiệt hại tại mỗi địa phương lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Về phía các doanh nghiệp khai thác chế biến thủy sản, theo chia sẻ với báo chí của một giám đốc doanh nghiệp thủy sản miền Trung, khó khăn đã được nhìn thấy như phải kỹ lưỡng hơn trong khâu thu mua thủy hải sản, thận trọng hơn nếu muốn thay nước cho những diện tích nuôi tôm gần biển ô nhiễm. Ngoài ra, tình trạng cá chết bất thường cũng tạo tâm lý lo âu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu tại miền Trung.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt gần 2 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các thị trường khắt khe như Mỹ, Nhật Bản vẫn gia tăng đơn đặt hàng thủy sản từ Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ngư trường Bắc Trung Bộ, nơi cá chết hàng loạt không phải là ngư trường chính của Việt Nam. Đây là khu vực quy tụ hàng ngàn loại thủy hải sản khác nhau, với sản lượng chưa đủ cho các lô hàng lớn và không ổn định. Chính vì thế, hoạt động đánh bắt nơi đây chủ yếu dành cho nhu cầu nội địa.

Đối với xuất khẩu, ngư trường chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ. Đây cũng là khu vực tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng hải sản chính như cua ghẹ, surimi, cá ngừ và các loại cá biển khác.

Các mặt hàng hải sản hiện chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đóng góp chính vào xuất khẩu thủy sản vẫn là tôm và cá tra/basa. Đây đều là những sản phẩm nuôi được và không phụ thuộc vào biển. Chẳng hạn, cá tra/basa là sản phẩm nước ngọt. “Đại bản doanh” của cá tra/basa tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre. Theo Vasep, 5 địa phương này hiện cung cấp gần 90% sản lượng cá tra chế biến. Với đặc điểm đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn, khẳng định Vĩnh Hoàn vẫn hoạt động bình thường, không bị thiệt hại gì từ hiện tượng cá chết ở miền Trung.

Báo cáo mới nhất từ Vasep cũng cho thấy, Vĩnh Hoàn đang giữ vị trí dẫn đầu về nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 là gần 60 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm cốt lõi, góp phần chính yếu vào giá trị xuất khẩu cho Vĩnh Hoàn là cá tra/basa. Ngoài ra, chiến lược của Vĩnh Hoàn còn là mở rộng sang các loài nuôi khác như cá chẽm, cá rô phi và tôm. Việc mua lại, tìm đối tác có kinh nghiệm cùng tham gia vào Cửu Long Seapro (CLP) là một phần trong kế hoạch nuôi tôm của Vĩnh Hoàn.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác, như Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), theo lãnh đạo doanh nghiệp này, vụ việc cá chết đã thúc đẩy nhu cầu cá sạch trong cả nước và mở ra cơ hội để ABT nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung đẩy mạnh vào thị trường nội địa.

Trong ngành tôm - loài thủy sản sinh sống ở các vùng nước lợ, khu vực nuôi trồng trải dài trên nhiều vùng miền gần biển nhưng tập trung nhất là Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, theo ông Trương Đình Hòe, Vasep, tác động của thông tin cá chết không ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Quý I/2016, xuất khẩu tôm đã khởi sắc với kim ngạch đạt 619,2 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Dự kiến, trong quý tiếp theo, giá trị xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng khoảng 10%. Tăng trưởng ở tôm đến từ nhu cầu tiêu thụ nhích lên và từ việc giá tôm đã được cải thiện. Chẳng hạn, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cao hơn 20% so với mặt bằng giá tôm chung ở thị trường này.

Dù là ngành tôm hay cá tra, trước hiện tượng cá chết dọc miền Trung, các doanh nghiệp cũng ít nhiều đối mặt với những câu hỏi mang tính dè dặt, e ngại từ phía nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các công ty, việc giải thích cho khách hàng hiểu là không khó. Bởi để đưa hàng vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, doanh nghiệp Việt Nam phải thỏa mãn nhiều tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là lý do vì sao những doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu xuất khẩu như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Stapimex, Công ty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, Quốc Việt... đều phải xây dựng vùng nuôi, quản lý chặt chẽ, thực hiện quy trình nuôi trồng, chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap, ASC, BAP...

Lo âu hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là những rào cản kỹ thuật không ngừng dựng lên từ các thị trường. Trong đó, thách thức lớn nhất là đạo luật Farm Bill (Mỹ) đã có những điều chỉnh mới, theo hướng chuyển quyền giám sát chất lượng cá da trơn từ Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), thuộc Bộ Y tế Mỹ sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Lộ trình chuyển đổi là 18 tháng, tính từ tháng 4.2016. Lâu nay, USDA chỉ phụ trách an toàn thực phẩm từ thịt, gia cầm và trứng nên việc chuyển đổi chắc chắn sẽ tạo ra những yêu cầu mới về mặt quản lý chất lượng sản phẩm đối với cá da trơn. Nghĩa là các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ phải có những thay đổi trong hoạt động nuôi trồng và sản xuất, dẫn đến gia tăng chi phí. 

Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng dự báo làm gia tăng chi phí xử lý vùng nuôi của doanh nghiệp thủy sản. Ngoài ra, các công ty phải tìm cách mở rộng thị trường để tránh những tổn thương có thể xảy đến khi kinh tế thế giới biến động, đe dọa đến tính ổn định bền vững trong kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số công ty như Vĩnh Hoàn còn đặt mục tiêu gia tăng nhóm sản phẩm cho giá trị gia tăng cao, từ mức 3-5% lên 10% doanh thu trong 3-5 năm tới. Dự án collagen cũng ước đem về doanh số 15 triệu USD trong các năm tiếp theo cho Vĩnh Hoàn.

Có thể thấy, những thách thức và rủi ro khó nắm bắt của ngành thủy sản đã khiến giá cổ phiếu của ngành này không cao. Trừ VHC của Vĩnh Hoàn, phần lớn các cổ phiếu khác của doanh nghiệp thủy sản đều được giao dịch trong mức giá trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng điều an ủi cho nhà đầu tư là trong 1 tháng xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, giá cổ phiếu của các công ty thủy sản không có nhiều biến động. Nhưng không ai dám khẳng định trước điều gì sẽ đến trong dài hạn nếu “cơn bão” này được nâng lên một mức độ nguy hiểm hơn.

Viết Nguyên