Cá chép Koi: Mô hình kinh doanh đầy độc đáo
Cá chép Koi được xem là “quốc ngư” của Nhật, đang có giá bán trên thị trường trong nước và quốc tế lên đến vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD/con. Riêng tại Việt Nam, thị trường mua bán cá Koi hiện khá sôi nổi và đã có những doanh nghiệp thành công trong việc kinh doanh loại cá này.
Vừa qua, 2 chuyên gia gồm Shigeru Mano (chủ Dainichi Koi Farm, 1 trong 2 trại cá Koi lớn nhất ở Nhật chuyên lại tạo dòng cá Showa và Kohaku nổi tiếng) và Shori Luke (chuyên gia kỹ thuật về cá Koi với hơn 20 năm trong nghề) đã đến Việt Nam giao lưu với những người chơi cá ở trại cá Ruby Koi Farm (TP.HCM).
Theo các chuyên gia này, một con cá Koi đẹp phải được đánh giá bởi nhiều tiêu chí. Ví dụ như dáng to lớn, đầu dài, miệng lớn, nách rộng, lưng cao, bụng thon, gốc đuôi dày, các mảng màu sắc nét có chiều sâu, da sáng, dáng bơi nhẹ nhàng...
Trong điều kiện nuôi nhốt, một con cá Koi mẹ có thể đẻ khoảng 500.000-700.000 trứng/lần. Tuy nhiên, tỉ lệ cá con có thể đem bán ra thị trường chỉ là 0,2-1%, tùy theo tiêu chí của mỗi trại. Hiện nay, giá thấp nhất để sở hữu một con cá Koi chất lượng cao là 2.000 USD. Đặc biệt, có những chú cá dòng Kohaku, dài 70-90 cm, sẽ có giá trị từ 20.000-80.000 USD.
Thực tế, thị trường mua bán cá Koi tại Việt Nam hiện không mấy quy củ, khi khá nhiều trang kinh doanh trực tuyến niêm yết giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi con. Vì thế, người mua không sành sõi sẽ có nhiều nguy cơ mua hớ. Theo ông Shigeru Mano, cần có những doanh nghiệp tham gia đầu tư bài bản thì cá Koi tại Việt Nam mới được trả về đúng giá trị.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp tham gia kinh doanh cá Koi, như Công ty Hải Thanh (chuyên lai tạo) hay Ruby Koi Farm (chuyên nhập khẩu trực tiếp từ Nhật). Nếu Công ty Hải Thanh được đầu tư quy mô và có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế hệ thống thủy sinh, lai tạo và thuần dưỡng các giống cá Koi, thì Ruby Koi Farm lại là một cái tên khá mới. Tuy vậy, đơn vị này cũng đã nhanh chóng tạo ra những lợi thế trong cuộc chơi cá Koi.
Tham gia sân chơi sau, nhưng Ruby Koi Farm đã tiên phong nhập khẩu trực tiếp từ 2 trại cá hàng đầu của Nhật là Dainichi Koi Farm và Sakai Fish Farm. Trở thành đại lý cấp 1 của Dainichi Koi Farm, Ruby Koi Farm cũng được quyền bán trực tiếp cá Koi sang một số nước như Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông và Philippines.
Ruby Koi Farm kinh doanh theo hình thức phân phối trực tiếp các sản phẩm được vận chuyển từ Nhật sang Việt Nam, rồi đến các sân bay ngoài nước theo yêu cầu của khách hàng. Giấy tờ nhập khẩu hợp pháp trong việc làm thủ tục hải quan là cơ sở để doanh nghiệp này thuận tiện hơn trong việc giao dịch với khách hàng.
Theo ông Ngô Thắng, Giám đốc Ruby Koi Farm, dù Công ty đang có một số ưu thế trong việc kinh doanh cá Koi, nhưng không phải là không có khó khăn. “Bên cạnh yếu tố thương hiệu xuất hiện muộn, một số thủ tục nhập khẩu cá chính ngạch đã khiến chúng tôi chậm chân hơn so với các nhà cung cấp tiểu ngạch”, ông cho hay.
Theo đó, với mỗi đợt hàng, thời gian từ khi cách ly cá, kiểm tra dịch bệnh, đăng ký khai báo thủ tục với các cơ quan chức năng cho đến khi cung cấp cá cho khách phải mất ít nhất 10-15 ngày. Trong khi đó, cá được nhập tiểu ngạch chỉ mất từ 2-3 ngày là chuyển bán cho khách hàng.
Vì thế, để mang đến giá trị cộng thêm cho khách hàng, Ruby Koi Farm còn tư vấn cho khách hàng về các loại cá để lựa chọn cho phù hợp với túi tiền. Ngoài ra, đơn vị này cũng giữ chân khách hàng bằng những dịch vụ như tư vấn cải tạo hồ, xây hồ mới, chăm sóc và chữa bệnh cho cá khi có yêu cầu...
Về mặt doanh thu, mặc dù đa số các doanh nghiệp đều không tiết lộ, nhưng cũng có thể nhìn thấy sự không ổn định về lợi nhuận do đặc trưng của loại cá này. Ví dụ, nếu như cá Koi được nhập về và có khách mua ngay, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn chi phí nuôi. Lợi nhuận cũng phụ thuộc vào xu hướng giá cao hoặc thấp. Bên cạnh đó còn là yếu tố rủi ro đe dọa đến sức khỏe và sự sống của cá do mầm bệnh.
Theo ông Thắng, Ruby Koi Farm, kinh doanh trong lĩnh vực này có khi lợi nhuận đạt được từ 30-35%. Nhưng cũng có thể giảm chỉ còn 10-12%, thậm chí là lỗ. “Những doanh nghiệp chuyên lai tạo, thuần dưỡng cá quen với điều kiện khí hậu tại Việt Nam sẽ có thể hạn chế được điểm yếu này”, ông nhận xét.
Có chung nhận định với các chuyên gia Nhật về cá Koi, ông Thắng cũng cho rằng thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để cá Koi đủ tiêu chuẩn phát triển. Sắp tới, Ruby Koi Farm dự định sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, phát triển mô hình để khách hàng có nhiều cơ hội sở hữu được cá Koi đúng tiêu chuẩn chất lượng.Theo kế hoạch, trong năm 2016, Ruby Koi Farm sẽ đầu tư “Siêu thị cá Koi” đầu tiên tại Việt Nam. Ðây sẽ là dịch vụ cho phép các khách hàng trung lưu trở lên mạnh dạn tiếp cận sân chơi đòi hỏi kỹ thuật cao và khá tốn kém này.
Đức Tài