Cá cảnh Việt tung tăng bể ngoại
Với đặc thù của lớp da và vảy bắt được ánh đèn nên cá có vẻ đẹp ấn tượng và được gọi là cá Neon. Giống cá này đang được xuất khẩu và thu về hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Cá Neon Xanh, có tên khoa học là Paracheirodon innesi (Myers, 1936), tên tiếng Anh là Neon Tetra và được gọi ở Việt Nam là cá Neon Xanh hay Neon Huỳnh Quang. Để đầu tư một hồ thủy sinh chất lượng và đẹp trung bình các tay chơi phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng. Chi phí bỏ ra dựa trên thiết kế của hồ đặc biệt là số lượng cá. Giá bán hiện nay trên thị trường của cá Neon vào khoảng 8.000-10.000 đồng/con.
“Trước đây, tôi chơi cá Sam, rồi chơi sang tép kiểng, được một số người bạn chơi trong câu lạc bộ giới thiệu nên tôi cũng mới đầu tư chơi cá Neon này. Tôi đã thất bại 2 lần, thiệt hại gần 50 triệu đồng”, anh Quốc Trung, ở quận Phú Nhuận, cho biết. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đam mê và nuôi thành công giống cả cảnh nhỏ bé này, đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu của chúng.
Tại trại Thiên Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, hàng chục nhân viên ra vào chăm sóc các khu vực nuôi, khuôn viên khoảng 5.000m2 được phân chia các khu ép, dưỡng và nuôi cá. Với đặc thù của giống cá này, các thị trường tại châu Âu, Mỹ và một số nước khác đang khá hút nên được Thiên Đức hướng đến và xuất khẩu. Giống Thiên Đức chú trọng là Neon Vua. “Hiện nay, chúng tôi có 40.000 cặp cá Neon Vua đang cho sinh sản, 1 tháng trung bình có thể bán được 300.000-400.000 con, doanh thu 1 năm đạt được 400.000-500.000 USD”, ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức, cho biết.
Với việc thỏa thuận và ký kết với các đối tác, Thiên Đức sẽ xuất khẩu và vận chuyển qua đường hàng không sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý. “Nhận được đơn hàng, chúng tôi sẽ chuẩn bị trong vòng từ 5-7 ngày, cơ quan kiểm dịch sẽ kiểm tra trước khi đóng lô xuất khẩu, khi hàng được phép xuất sẽ chuyển đến sân bay và được kiểm dịch về tình trạng sức khỏe cá”, chủ trại cho biết.
Neon Vua trước đây được Trung tâm Khuyến nông Thành phố nghiên cứu sinh sản thành công cũng như xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo và nâng tỉ lệ sống từ 25% lên 70%. Đồng thời, trung tâm này cũng đã chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng cho sinh sản bán nhân tạo và bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao nghiên cứu và phát triển.
Thời gian qua, một số mô hình nuôi và xuất khẩu cá kiểng đã được NCĐT giới thiệu như cá Koi, cá Sam, tép kiểng. Phía người nuôi, hầu hết đều mong muốn được quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để sinh vật kiểng có thêm nhiều cơ hội rộng đường xuất ngoại.
Thị trường kinh doanh cá kiểng còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng theo tìm hiểu của NCĐT, một số doanh nghiệp chạy theo số lượng hơn chất lượng; vì thế, khi tăng lượng nuôi quá nhanh, họ đã không kiểm soát được chất lượng cũng như làm mất đi giá trị vốn có của giống cá, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, cá cảnh của thành phố đã xuất khẩu đến 52 quốc gia, thị trường châu Âu chiếm 60%, còn lại là châu Á, châu Mỹ và Nam Phi. Năm 2017, TP.HCM đặt mục tiêu xuất khẩu từ 18-20 triệu con cá cảnh, với kim ngạch 20-25 triệu USD hướng đến mục tiêu đạt từ 40-50 triệu USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được nếu không có sự đầu tư bài bản hơn. TP.HCM có gần 300 cơ sở sản xuất và nuôi cá cảnh với sản lượng 135 triệu con và 17 loài cá cảnh thông dụng (cá Dĩa, Ông Tiên, Chép, La Hán, Phượng Hoàng, Neon...). Đa phần quy mô trang trại nuôi còn nhỏ lẻ và quá ít sản phẩm để chào hàng. Công nghệ nuôi theo phương thức truyền thống, thiếu đầu tư dẫn tới giá thành cao, cơ hội cạnh tranh thấp ở thị trường xuất khẩu.
Với số lượng xuất khẩu 16 triệu con cá cảnh/năm, kim ngạch đạt trên 16,53 triệu USD, cá cảnh Việt Nam là ngành có tiềm năng lớn, nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Các trang trại nuôi cá cảnh đề xuất quy hoạch vùng nuôi diện tích lớn, kiểm soát bệnh dịch tốt hơn và đầu tư công nghệ nuôi có chiều sâu hơn. Đồng thời, đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm tại các thị trường có tiềm năng xuất khẩu.
“Mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh của thành phố cũng như tỉ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với tiềm lực, việc xuất khẩu sang thị trường châu Á chủ yếu bán cho khách những mặt hàng họ cần hoặc không có”, ông Tống Hữu Châu (chủ trại cá Châu Tống, quận 12, TP.HCM) cho biết. Theo ông phân tích, khó khăn trong việc xuất cá cảnh đi Hàn Quốc như một số loại cá bảy màu là cơ quan kiểm dịch nước này đòi hỏi giấy phép NAFI (Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản) thay vì của Trung tâm Thú y Vùng 6 hoặc Chi cục Thủy sản. Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều rào cản về kỹ thuật làm cho việc xuất khẩu cá cảnh sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ giao thương mua bán qua đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc hoặc quá cảnh qua Thái Lan.