Thứ Hai | 23/03/2015 13:40

Buôn lậu vàng đã 'hẹp cửa'

Thị trường vàng "lặng sóng", giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá USD biến động mạnh khiến nghi án vàng lậu lại được đặt ra.

Không né tránh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình (ảnh) đã thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi liên quan đến thị trường vàng trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.

Duy trì chênh lệch giá để hạn chế đầu cơ vàng

 Trước đây mỗi khi khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới bị kéo xa ra, NHNN sẽ cho đấu thầu vàng để thu hẹp lại. Hiện tại giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới hơn 5 triệu đồng/lượng, tại sao NHNN không tổ chức đấu thầu vàng, thưa thống đốc?

- Lý do quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, người dân đã tin vào giá trị đồng tiền VN (VND) nên tâm lý tích trữ vàng giảm mạnh. Ví dụ như ngày Thần tài vừa rồi, người ta cũng xếp hàng mua vàng nhưng mua rất ít, mua để cầu mong sự sung túc, an lành. Tôi cho rằng đó là nét văn hóa đáng trân trọng. Nhưng góp phần không nhỏ vào thành công này là do khoảng cách cao giữa giá vàng trong nước với giá thế giới. Đối với thị trường VN, trong ngắn hạn việc để giá vàng trong nước chênh, chủ yếu là cao hơn so với giá vàng thế giới là việc cần làm để hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng. Với mức chênh lệch này giới đầu cơ có thể kiếm được chút lợi nhưng họ luôn phải tính đến rủi ro lỗ nặng nếu NHNN đấu thầu bán vàng ra. Còn người dân, họ sẽ đặt câu hỏi, giá trị VND ổn định, tại sao họ phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới nhiều như vậy? Điều đó quá vô lý và họ không mua nữa. Giá trị của việc để chênh lệch cao giữa vàng trong nước và thế giới là như vậy, nó làm cho tâm lý đầu cơ của giới đầu cơ và người dân đều giảm. Tất nhiên, trong trung và dài hạn, khi giá vàng thế giới tương đối ổn định trở lại thì độ chênh lệch sẽ được kéo lại. Đó là chủ trương của chúng tôi.

* Nhưng duy trì việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới nhiều sẽ tạo cơ hội cho vàng lậu tràn vào nội địa?

   

Sẽ xây xưởng dập vàng nếu SJC không muốn bán

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Xưởng của SJC, hoặc chúng tôi sẽ mua lại. Còn nếu SJC có vấn đề khó khăn khi bán cho chúng tôi, chúng tôi sẽ xây một cái mới. Hiện đã có đất ở Hòa Lạc (Hà Nội). Tất cả vàng vào đó đều ra vàng 4 số 9 và đăng ký với thế giới, cho họ vào kiểm định phù hợp với tiêu chuẩn, chất lượng của họ và được đóng mác vàng thế giới. Để khi cần thiết thì dập thành vàng miếng còn không thì để vàng mác thế giới và đưa vào dự trữ nhà nước”.

- Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt, vấn đề là ta chọn cái gì có lợi nhiều hơn. Nếu ta chọn giải pháp để chênh lệch giá vàng, giá trị của giải pháp này như tôi vừa nói trên, chúng ta đã ổn định thị trường vàng, hạn chế đầu cơ và chặn đứng tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Nhưng mặt chưa được là buôn lậu vàng. Có điều, buôn lậu vàng bây giờ không đơn giản như trước. Thứ nhất theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, vàng nước ngoài mang về phải dập thành vàng miếng thì mới bán được. Mà dập ra vàng miếng ngoài NHNN, không ai có thể làm được. Có nghĩa là "ông" mang vàng lậu về đây cũng chỉ có thể bán cho những người làm vàng trang sức. Nhưng vàng trang sức giá trị gia tăng cũng như mức độ luân chuyển không lớn. Thứ hai, vàng lậu trước đây phát hiện chỉ xử phạt hành chính nhưng nay tịch thu hết. Nên buôn lậu vàng giờ lợi nhuận ít hơn rất nhiều mà rủi ro thì quá lớn, luôn phải đối diện với nguy cơ bị mất sạch. Như vậy là "cửa" của vàng lậu đã rất hẹp rồi. Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận, cái gì có lợi nhuận lập tức có buôn bán, buôn lậu. Vậy nên về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi đã và vẫn tiếp tục tăng cường phối hợp với công an, quản lý thị trường, biên phòng... để làm tốt công tác chống buôn lậu.

Còn nếu chọn giải pháp để giá vàng trong nước sát với giá thế giới thì lập tức kinh doanh, đầu cơ vàng sẽ dậy sóng. Không những kinh doanh bình thường mà người ta còn đòi có sàn vàng vì sàn vàng người ta "ăn" được rất nhiều. Tất nhiên, có người lợi nhiều thì sẽ có nhiều người sạt nghiệp, mất nhà, mất gia đình và nhiều hệ lụy khác nữa. Đó là cái bất lợi của sự liên thông giá vàng. Cân đối cả 2 cái đó rõ ràng, lợi ích của việc để chênh lệch vàng lớn hơn nhiều và đó là lý do chúng tôi chọn cách này.

Đang "huy động" vàng trong dân

   

* Vậy thống đốc lý giải thế nào về hiện tượng giá vàng và tỷ giá nóng lên cùng một thời điểm hiện nay? Có phải do vàng lậu tăng không?

Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận, cái gì có lợi nhuận lập tức có buôn bán, buôn lậu. Vậy nên về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi đã và vẫn tiếp tục tăng cường phối hợp với công an, quản lý thị trường, biên phòng... để làm tốt công tác chống buôn lậu

- Tôi khẳng định không phải do buôn lậu, vì trước nay không thiếu gì lúc chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới lên trên 5 triệu đồng, còn buôn lậu thì như tôi vừa phân tích, cũng vậy thôi. Sở dĩ giá vàng trong nước tăng là do NHNN vừa đi thanh tra một số tổ chức tín dụng, thấy họ thiếu một số vàng giữ hộ trong dân do trước đó đã bán rồi nên chúng tôi buộc họ phải mua lại cho đủ trạng thái. Mỗi ngân hàng một ít nhưng cộng vào cũng khiến cho cầu vàng tăng lên và giá bị đẩy cao nhất thời. Nhưng cái này sẽ nhanh chóng qua đi vì đây không phải là bản chất kinh tế mà chỉ là biện pháp buộc các ngân hàng phải có đủ lượng vàng đã giữ lại trong dân.

* Từ năm 2014, NHNN đã không cho nhập vàng, vậy các công ty vàng nữ trang trong nước lấy nguyên liệu đâu để sản xuất vàng mà vẫn bán đều đều vậy, thưa ông?

- Hầu hết là vàng trong nước. Còn nhớ trước đây chúng ta vẫn hay nói làm sao huy động vàng trong dân để phục vụ cho sản xuất. Trên thực tế thì hiện nay chúng ta đang huy động rồi. Minh chứng rõ nhất là thời gian qua NHNN không bán vàng nhưng thị trường vẫn có vàng bán ra. Hôm nay người này cần tiền thì người này bán, mai người kia cần tiền thì người kia bán. Đó chính là vàng mà chúng ta vẫn gọi là "trong tủ nhà dân". Đây là một nguồn. Nguồn thứ hai là vàng mẫu mã khác trước đây chưa dập lại hết thành vàng SJC nhưng nay xin giấy phép dập lại là rất khó khăn nên họ cũng bán cho các công ty vàng trang sức. Nguồn thứ ba không lớn như tôi mới nói là từ nhập lậu. Chủ yếu là vàng nguyên liệu ở dạng vàng cám và vàng đã qua sơ chế nhưng ở mức độ thô (dạng cục cho dễ xách). Đó là lý do vì sao sản xuất vàng trang sức vẫn có nguyên liệu.

* Thống đốc có biết, vàng nhập lậu vào VN là qua đường nào?

- Chủ yếu đi qua con đường Lào và Campuchia. Ở Lào hiện nay có các mỏ vàng mà người VN khai thác. Trong thời gian vừa rồi, NHNN cùng Bộ Công an, quản lý thị trường cũng đã biết một số đường dây buôn lậu vàng, cũng đã dập được một số đường dây và sắp tới sẽ làm mạnh hơn nữa.

* Có thể hình dung về thị trường vàng trong thời gian tới như thế nào, thưa thống đốc?

- Đề án xử lý thị trường vàng gồm có 3 khâu. Khâu thứ nhất là vàng nguyên liệu, thứ hai là vàng miếng và thứ ba là vàng trang sức, trong đó khâu trọng yếu nhất là vàng miếng thì cơ bản đã làm rất tốt. Ta đã làm một phần ở thị trường vàng trang sức. Ví dụ, vừa rồi Bộ Khoa học - Công nghệ đã ra được Nghị định về kiểm tra chất lượng vàng trang sức. Giờ NHNN đang cùng với Bộ Công thương làm tiếp việc đăng ký bản quyền mẫu mã kinh doanh. Riêng khâu vàng nguyên liệu đang bỏ ngỏ bởi khâu này không làm được nếu hai khâu kia không làm tốt. Vì vàng miếng quản chặt rồi, vàng trang sức làm chặt rồi thì vàng nguyên liệu không mang đi đâu được hết. Khi đó, NHNN đứng ra mua vàng theo hàm lượng kiểm định đầy đủ, giá công bố hằng ngày, tạo ra một thị trường vàng nguyên liệu hợp pháp, công khai minh bạch rõ ràng. Khâu này mình chưa làm được nhưng chúng tôi đã có kế hoạch và lộ trình đầy đủ.

Nguồn Thanh niên