Theo báo cáo của Market Data Forecast, quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu đạt 244,5 tỉ USD vào năm nay. Ảnh: tiasang.com.vn.

 
Diễm Trang Chủ Nhật | 15/09/2024 07:00

Bước vào nền kinh tế chăm sóc

Chuyên nghiệp hóa nghề nuôi bệnh không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn mở ra cơ hội cho nền kinh tế chăm sóc tại Việt Nam.

Một thông tin đáng chú ý gần đây là Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. “Nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019 cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên. Theo đó, khi mức sinh giảm càng thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), phân tích.

Quá trình chuyển từ “dân số vàng” sang “dân số tóc bạc” đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Trong đó, chăm sóc người cao tuổi sẽ là thách thức rất lớn, cả với xã hội và hệ thống y tế.

Dù hứa hẹn tiếp tục nằm trong Top 20 quốc gia có mức tăng trưởng ngành ổn định nhất thế giới, sự quá tải ở các bệnh viện công luôn là vấn đề nan giải. Cụ thể, các bệnh viện lớn buộc hoạt động vượt quá công suất và bệnh nhân cũng phải đợi rất lâu mới có thể tiếp nhận được dịch vụ. Bên cạnh đó, số bác sĩ cho 10.000 dân nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ đạt 11,5 bác sĩ vào năm 2022 trong khi tại Thái Lan, tỉ lệ này là 17,9 bác sĩ/10.000 dân và Singapore có tới 28 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2021.

Chính vì vậy, sự phát triển của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngoài bệnh viện là vô cùng cần thiết. Mô hình này không làm thay đổi bản chất của quá trình giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân mà giúp nâng cao tính tiện lợi nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. 

Trên thế giới, theo báo cáo của Market Data Forecast, quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu đạt 244,5 tỉ USD vào năm nay và sẽ tiếp tục chạm mốc 346,1 tỉ USD đến năm 2029. Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành chăm sóc sức khỏe trước những biến đổi sâu sắc như già hóa dân số, các bệnh mãn tính gia tăng đe dọa đến cuộc sống của người dân. 

Tại Việt Nam, nhiều mô hình liên quan cũng xuất hiện và tạo được thành công bước đầu như WeCare 247, Doctor Anywhere Vietnam và Jio Health. Những công ty này không chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp tại nhà mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh đột phá, tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Từ trải nghiệm của mình tại bệnh viện, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của WeCare 247, nhận thấy thị trường dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đã tồn tại từ lâu, nhưng phần lớn hoạt động tự phát và thông qua các đầu mối cá nhân. Từ đó, WeCare 247 ra đời vào tháng 11/2017. Đến tháng 8/2018, WeCare 247 đã mở rộng sang mảng dịch vụ nuôi bệnh, xây dựng đội ngũ người nuôi bệnh chuyên nghiệp.

“Việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện công để ngang tầm hoặc vượt qua bệnh viện tư là một thách thức lớn. Dù đã có nhiều nỗ lực để tổ chức lại lực lượng chăm sóc người bệnh tự phát, nhưng việc này đòi hỏi sự tâm huyết và khả năng chịu đựng cao”, ông Tâm nói. “Ngoài nỗi lo về bệnh tật, người cao tuổi thường mang trong mình những vướng bận tinh thần. Họ cảm thấy cô đơn và trống trải khi con cái bận rộn với công việc và không thể chăm sóc họ. Sự cô đơn kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ và suy yếu cơ thể, đặc biệt khi họ đang mang bệnh. Trong bối cảnh gia đình có người bệnh, mọi sinh hoạt hằng ngày đều bị đảo lộn”, ông nói thêm.

Trước thực tế đó, WeCare 247 đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ chăm sóc theo giờ, từ 8-12 tiếng mỗi ngày với thời gian linh hoạt. Đội ngũ nhân viên của WeCare 247 được đào tạo bài bản, giúp khách hàng yên tâm với hợp đồng pháp lý minh bạch và bảo hiểm rủi ro lên đến 2,4 tỉ đồng. Hiện tại, WeCare 247 đã đào tạo hơn 2.500 chăm sóc viên, phục vụ hơn 30.000 gia đình, cung cấp giải pháp chăm sóc cho 90 bệnh viện, các cơ sở y tế tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trong đó, thành tựu nổi bật có thể kế đến như triển khai mô hình Chăm sóc Bệnh nhân đầu tiên và duy nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy; hợp tác chiến lược với tập đoàn nhân sự y tế hàng đầu Nhật Mynavi để nhận nguồn vốn và chuyển giao công nghệ...

Có thể nói, chìa khóa làm nên thành công của WeCare 247 là sự “chuẩn hóa” phương pháp chăm sóc truyền thống. Theo đó, đội ngũ thăm nuôi bệnh nhân được đào tạo bài bản, kiểm định chất lượng liên tục, tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Không chỉ hỗ trợ y tế, các chăm sóc viên còn là chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân, hằng ngày trò chuyện, động viên để họ bớt lo âu về bệnh tật và trở nên lạc quan hơn. “Đây cũng chính là yếu tố then chốt để Mynavi đưa ra quyết định đầu tư WeCare 247”, ông Trần Mạnh Hùng, đại diện Mynavi tại Việt Nam, cho biết.

Trong bối cảnh thế giới phát triển, có thể thấy hướng đi chuyên nghiệp hóa nghề nuôi bệnh là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xã hội. Cả bệnh nhân, người nhà và bác sĩ đều hưởng lợi từ mô hình này. Không chỉ vậy, nó còn lấp đầy khoảng trống do thực trạng thiếu hụt điều dưỡng gây ra, giúp san sẻ áp lực với ngành y tế bằng cách cung cấp cho bệnh nhân điều kiện phục hồi tốt nhất ngay cả khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều thời gian để thiết lập thói quen của khách hàng trên cả nước, khiến họ thật sự tin tưởng vào dịch vụ. 

Giải quyết được bài toán này, những mô hình như WeCare 247 sẽ góp phần hình thành “nền kinh tế chăm sóc” tại Việt Nam. Qua đó, cũng đồng thời giải quyết nghịch lý là có nhiều lao động trong mảng dịch vụ chăm sóc được xuất khẩu đi các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, nhưng trong nước lại thiếu nhân sự làm việc này khi không có mức lương tương xứng trong các trung tâm bảo trợ xã hội, còn các trung tâm tư nhân lại không đủ sức hấp thụ hết.

“WeCare 247 đang thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Đó là định nghĩa lại tiêu chuẩn ngành chăm sóc sức khỏe cá nhân”, lãnh đạo WeCare 247 nói về tầm nhìn của mình.