Buộc phải bán nhà máy, Vinaxuki đang nợ những ai?
Mới đây đại diện CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã gửi tới một số ngân hàng, cơ quan an ninh kinh tế và các chủ nợ về việc công ty này sẽ bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân.
Hiện tất cả tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho tất cả các ngân hàng và tổ chức, cá nhân bao gồm quyền sử dụng đất, nhà xưởng và máy móc thiết bị... Những tài sản trên đang trong thời gian chuyển nhượng, bán để trả nợ theo cam kết của Hội đồng quản trị Vinaxuki.
Ngân hàng đã "ngoảnh mặt" với Vinaxuki
Trao đổi với BizLIVE, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki từng cho biết, Vinaxuki đã lên kế hoạch bán nhà máy tại Thanh Hóa hoặc Mê Linh cho đối tác nước ngoài. Một số đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã "để mắt" tới hai nhà máy này trong đó nhà máy tại Mê Linh được đánh giá cao hơn.
Thời điểm cuối năm 2014, mặc dù đã phải đối mặt với hàng loạt các khoản nợ đến hạn, nhưng ông Huyên vẫn tin tưởng rằng với nhà máy ở Thanh Hóa, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thêm 10 triệu USD ngay lập tức có thể sản xuất được xe con, xe tải và chỉ cần 3 năm sẽ thu hồi được vốn.
"Với sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn Vinaxuki sẽ sản xuất được ô tô với tỷ lệ nội địa hóa cao, xuất khẩu sang các nước ASEAN", ông Huyên từng cho biết.
Tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 7/2015, Vinaxuki chưa đưa ra một thông tin chính thức nào cho thấy đối tác mua nhà máy của Vinaxuki là ai, cũng như tỷ lệ bán cho đối tác là bao nhiêu.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Vinaxuki, đã 3-4 năm nay ngân hàng không cho Vinaxuki vay. Nguyên nhân là phía ngân hàng cho rằng đầu tư vào công nghệ hiện đại không hợp với ngân hàng thương mại. Vinaxuki từng đề nghị Chính phủ cho Vinaxuki vay bằng tiền của Ngân hàng Phát triển nhưng cũng không được.
"Ngân hàng thậm chí không nhận tài sản thế chấp vì cho rằng đây chỉ là điều kiện cần, không đủ và chỉ cho vay ngắn hạn", ông Huyên phân trần.
Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2012, dư nợ cả gốc và lãi của Vinaxuki tại các ngân hàng là khoảng 1.374 tỷ đồng. Trong đó, tại BIDV là 600 tỷ đồng, tại Vietinbank là 130 tỷ đồng, tại Vietcombank là 594 tỷ đồng. Số nợ đến cuối năm 2014 vừa qua tổng nợ của Vinaxuki lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.
Do lãi suất tăng cao và suy giảm của nền kinh tế, nên cuối năm 2012, Vinaxuki đã có một số khoản nợ quá hạn. Vietcombank đã bán khoản nợ của Vinaxuki cho Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC).
"Đội sổ" nợ tiền Bảo hiểm xã hội, nợ thuế
Trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn do Cục Thuế Hà Nội công bố mới đây, Vinaxuki cũng là 1 trong số 200 doanh nghiệp bị bêu tên. Theo đó, số nợ tính đến ngày 30/6 của doanh nghiệp lên đến 17,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong kết luận Thanh tra Hà Nội được công bố vào đầu tháng 5/2015 vừa qua Vinaxuki cũng được "bêu tên" là một trong 2 doanh nghiệp có số nợ lớn nhất trong đợt thanh tra việc chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2014. Số tiền mà Vinaxuki nợ lên đến 9,8 tỷ đồng.
CTCP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki cũng là 1 trong 7 doanh nghiệp được thanh tra đợt này không thực hiện nộp tiền nợ trước, trong và sau đợt thanh tra.
Theo đó, Thanh tra TP Hà Nội đã yêu cầu BHXH TP Hà Nội làm các thủ tục khởi kiện Vinaxuki về hành vi chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền lớn, thời gian kéo dài.
Nguồn Bizlive