Bước nhảy của ngành nông nghiệp Việt
Những ngày cuối tháng 9, chuyên cơ của hãng hàng không Qantas Airways đã đưa 242 con bò cao sản mang thai của Vinamilk từ Úc về Nội Bài, Hà Nội. Đây là chuyến nhập bò thứ 2, nâng tổng số bò sữa của Vinamilk lên hơn 400 con và cho phép công ty này trở lại cuộc cạnh tranh với đàn bò sữa công nghệ cao của TH True Milk.
Trước đó, doanh nhân Đặng Văn Thành đánh dấu sự trở lại của mình với việc Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư mở rộng mảng nông nghiệp, thâu tóm một loạt các công ty mía đường và thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công.
Đó chỉ là hai trong số khá nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp, vốn là xu hướng đã bắt đầu sôi động trong vài năm trở lại đây. Còn nhớ ngay từ năm 2008, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu chuyển hướng sang mảng nông nghiệp, còn TH True Milk cũng bắt đầu trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao từ năm 2009.
Gần hơn là trường hợp Công ty Cổ phần đầu tư F.I.T quyết định thâu tóm và tham gia điều hành Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ TSC. Quỹ đầu tư tư nhân của Ngân hàng Standard Chartered, ngay sau khi hoàn tất thương vụ 35 triệu USD với chuỗi nhà hàng Golden Gate cũng nhanh chóng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp thương vụ trị giá đến 90 triệu USD, mua lại một phần vốn của Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang.
Việc chuyển hướng sang ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp kể trên (và nhiều trường hợp khác chưa được liệt kê), nếu chỉ được lý giải như một giải pháp tình thế trước sự bất ổn của thị trường tài chính - bất động sản thì sẽ không đầy đủ và mới là một phần nhỏ của câu chuyện về ngành nông nghiệp.
Thế giới cần nông
Theo báo cáo mới nhất do Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, tốc độ tăng trưởng nhu cầu nông sản trên toàn cầu giai đoạn 2015-2030 sẽ đạt mức trung bình 1,4%/năm. Cũng theo FAO, đến năm 2050, sẽ cần 3 tỉ tấn ngũ cốc và 455 triệu tấn thịt để có thể đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của toàn bộ dân số thế giới.
Hiện nay, ngành nông nghiệp toàn cầu lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề có tác động trực tiếp đến an ninh lương thực, tiêu biểu như bài toán chi phí. Bên cạnh chi phí lao động tăng do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành khác, một vài đạo luật về môi trường đối với ngành nông nghiệp ở các nước phát triển cũng đẩy chi chí lên cao, ví dụ tác động của việc đánh thuế môi trường lên nông nghiệp.
Những yếu tố trên đã dẫn đến tình trạng các nước phát triển phải tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản tiêu dùng cuối cùng, từ đó dịch chuyển công đoạn sản xuất và chế biến cấp thấp sang các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, khi quá trình sản xuất được dịch chuyển ra khỏi các nước phát triển, người tiêu dùng ở đây cũng bắt đầu phải đối mặt với nhiều rủi ro từ chất lượng nông sản được nhập về.Vì vậy, các tiêu chuẩn cho nông sản nhập khẩu ở các nước phát triển đã trở nên khắt khe hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hoá cũng khiến cho áp lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp ngày càng gay gắt hơn. Thị trường thuộc về người mua, các nhà cung cấp bắt buộc phải phát triển lợi thế về giá thành, công nghệ hay những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm quan trọng khác thì mới có thể hi vọng cạnh tranh thành công.
Trong bối cảnh trên, xu hướng chuyển dịch sang mô hình sản xuất quy mô lớn để đạt lợi thế từ quy mô (Economics of Large Scale Production) và dễ dàng ứng dụng công nghệ đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia có lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có Việt Nam. Với những tác động tích cực từ chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp của Chính phủ, cộng với cơ hội giảm mức thuế suất đối với các mặt hàng nông sản xuống bằng 0 khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP trở thành hiện thực, lĩnh vực đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.
Việt Nam cần mục tiêu
Để có thể nắm bắt những cơ hội mới khi nhu cầu tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước ngày càng tăng cao, thời gian qua, những khoản đầu tư mà các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang đổ vào ngành nông nghiệp đều nhắm đến 3 mục tiêu khá rõ rệt: quản trị nguồn nguyên liệu, đầu tư phát triển giống và nghiên cứu về công nghệ nuôi trồng.
Có lẽ ai quan tâm đến nông nghiệp đều biết rằng từ trước đến nay, nông sản tại Việt Nam chủ yếu vẫn được nuôi trồng ở các hộ nông dân nhỏ lẻ và tự phát. Chính vì điều này, các doanh nghiệp thu gom nông sản để xuất thô hoặc làm đầu vào cho chế biến gặp đều gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu. Đơn cử, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam VASEP năm nào cũng báo cáo về tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là đối với cá tra.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với cây nông nghiệp, khi các hộ nông dân nhỏ lẻ thường đốn bỏ những loại cây trồng đang giảm giá trị để chuyển sang trồng loại cây khác có lợi hơn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trên như cam kết với nông dân về thu gom cuối vụ hay cam kết giá sàn khi thu mua. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho nông dân trở thành cổ đông nhằm nâng cao tinh thần hợp tác.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được thể hiện khá rõ nét trong chuỗi giá trị lúa gạo.Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là một ví dụ.Để có được vùng nguyên liệu bền vững, doanh nghiệp này đã triển khai nhiều biện pháp như cung ứng giống, thuốc và phân bón với lãi suất 0% suốt niên vụ cho nông dân. Ngoài ra, Công ty còn bao tiêu lúa theo giá thị trường; và nếu nông dân chưa đồng ý giá bán có thể lưu kho 30 ngày không tính phí ký gửi. Cuối năm ngoái, AGPPS còn phát hành cổ phiếu cho 6.000 đối tác là nông dân, với giá bán chỉ bằng một nửa giá trên thị trường OTC tại thời điểm đó.
Đương nhiên, những giải pháp trên chỉ hạn chế được một phần tình trạng bị động nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nông nghiệp.Với những doanh nghiệp có quy mô lớn, tự đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên diện rộng luôn là giải pháp được ưu tiên lựa chọn. Có thể kể đến như Hoàng Anh Gia Lai với những cánh đồng cao su, bắp, mía ở Campuchia và Lào, hay TH True Milk và Vinamilk với những nông trại bò sữa.
Nếu như quản trị nguồn nguyên liệu được xem là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, thì đầu tư phát triển giống có thể được xem là chìa khóa dẫn đến lợi thế bền vững trong tương lai.Nói đến đầu tư giống, điển hình nhất có lẽ phải là trường hợp của Thành Thành Công với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường được thành lập năm 2013.
Theo ông Đăng Văn Thành, Chủ tịch Thành Thành Công, chính những trăn trở với cây mía Việt còi cọc, chữ đường thấp đã khiến Công ty đi đến quyết định đầu tư 30 tỉ đồng thành lập cơ sở nghiên cứu nói trên. Tính tới thời điểm hiện tại, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường này đã nhập về gần 50 giống mía từ nước ngoài; và đang tiến hành chọn lọc ra giống mía phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam.
Dường như, tầm quan trọng của giống cây trồng cũng đã được các nhà đầu tư nhận ra khi mà tình hình giao dịch của các công ty giống cây trồng trên thị trường chứng khoán đang ngày càng sôi động. Ví dụ, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) vừa thâu tóm Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) trong tháng 7 vừa qua. Cách đây ít ngày, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) lại vừa nhận được hồ sơ chào mua công khai cổ phiếu từ NSC.
Trong khi đó ở ngành sữa, nhiều hành động cụ thể liên quan đến giống cũng đã được các doanh nghiệp tiêu biểu như Vinamilk hay TH True Milk thực hiện, ví dụ như những đề án nhập khẩu bò từ các nước phát triển nhằm cải thiện chất lượng và sản lượng sữa của giống bò trong nước.
Không chỉ đầu tư cho nghiên cứu phát triển giống, ở công nghệ về nuôi trồng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã bắt đầu áp dụng những thành tựu mới để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Tiêu biểu là những công nghệ từ Israel, quốc gia tiên tiến nhất thế giới về nông nghiệp dù điều kiện địa lý tại nước này không lý tưởng.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Israel đã được TH True Milk áp dụng, nâng giá trị canh tác của mỗi hecta đất lên hơn 20 lần, bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk từng tiết lộ. Theo bà Hương, khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH True Milk đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel sang vận hành máy móc, hướng dẫn và đào tạo người Việt Nam.
Công nghệ Israel cũng là khởi nguồn thành công của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức khi ông quyết định đầu tư nông nghiệp sang các quốc gia lân cận Việt Nam. Từ công nghệ phân tích công thức đất, chỉ số dinh dưỡng, nước, làm ẩm, bón phân… tất cả đều được Hoàng Anh Gia Lai mua lại từ Israel. 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ nông nghiệp đã đóng góp 60% tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai, với biên lợi nhuận gộp trên 100% đối với tất cả các mặt hàng nông sản hiện có của Tập đoàn.
Theo đánh giá của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nguyên nhân nông nghiệp Việt chưa phát triển mạnh trong thời gian qua là do không có phát minh hay nghiên cứu nào mang tính quy mô, toàn diện để giải quyết được những vấn đề ở khâu nguyên liệu, nguồn giống hay công nghệ nuôi trồng. “Công nghệ thì lạc hậu, năng suất thấp, chi phí cao thì chết là đúng rồi.Cứ làm nông nghiệp như Việt Nam làm sao giàu được”, bầu Đức nhận định.
Bên cạnh 3 mục tiêu lớn đang được các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp chú trọng, một số nhánh nhỏ của lĩnh vực nông nghiệp cũng đang dần được quan tâm, trong đó lĩnh vực nông dược hiện đang khá mát tay với một loạt những cuộc “đổi ngôi” vừa qua.
Trao đổi với Nhịp cầu Đầu tư về việc chọn lựa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Trung Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư F.I.T cho biết, quyết định lần này đến từ tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp Việt. “Nông nghiệp sẽ luôn là ngành nóng, bởi đó là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người.Và điều chúng tôi đang hướng đến cũng không phải mới, mà là quay lại với lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam với một sự chuẩn bị dày dặn hơn”, ông Phương chia sẻ.
Nguồn Nhịp Cầu Đầu Tư