Bước ngoặt mới của nghề câu cá ngừ đại dương
Hướng đi mới
Ông Yukio Kikuchi - Giám đốc dự án của Công ty Yanmar - cho biết: “Dựa trên thiết kế tàu câu cá ngừ của Nhật, tàu Yanmar được thiết kế lại phù hợp với điều kiện, tập quán đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Tàu dài 18m, trọng lượng 50 tấn, vận tốc hơn 11 hải lý, công suất 350CV, làm bằng chất liệu composite.
Tàu được trang bị hiện đại với hệ thống đèn led, tời câu tự động điện,... Đặc biệt, chú trọng điều kiện sống tốt nhất cho ngư dân như bếp ăn, nhà vệ sinh hiện đại, phòng ăn, nghỉ”. Tàu có thể chịu được gió cấp 7-8, thời gian đi biển khoảng 20 ngày. Sau khi hạ thủy chạy thử nghiệm thành công, tháng 9 tàu sẽ vươn khơi cùng các ngư dân thực tế đánh bắt.
Dự kiến, Công ty Yanmar sẽ đầu tư 180 tàu composite đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa; trên nguyên tắc doanh nghiệp hỗ trợ 65% tổng số vốn ban đầu, ngư dân đóng góp 35%; đồng thời Yanmar đảm nhận chuyển giao kỹ thuật khai thác bảo quản cá cho ngư dân tham gia tổ đội đánh bắt và bao tiêu xuất khẩu sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Ưu thế vượt trội
Theo ông Nguyễn Văn Đạt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tàu thủy UNINSHIP Trường Đại học Nha Trang - tổng giá trị đầu tư cho 1 con tàu composite so với tàu vỏ gỗ hiện chỉ cao hơn khoảng 10-20% (trước đây là 30-50%), nếu sản xuất hàng loạt thì giá còn thấp hơn hay bằng tàu vỏ gỗ. Nhưng, về lâu dài tàu composite giảm được chi phí nhiên liệu đến 30%, chi phí bảo dưỡng ít.
Tiến sĩ kinh tế, chuyên gia về cá ngừ Arata Izawa (Nhật Bản) phân tích: “Để đưa được một con cá ngừ lên thuyền, ngư dân Việt Nam tốn rất nhiều nhân lực, sức lực nhưng không biết cách bảo quản sản phẩm từ khâu đánh bắt. Chất lượng cá ngừ được đánh giá ở màu thịt, độ đàn hồi, chất lượng vệ sinh... điều kiện tàu gỗ và công đoạn kỹ thuật đánh bắt của ngư dân hiện nay thì rất khó cải thiện được giá trị".
Năm 2014, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu cá ngừ đại dương sang 100 nước với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 560 triệu USD, với số lượng cá này, nếu xử lý đúng kỹ thuật có thể bán tối thiểu 1,5 tỷ USD. Yanmar chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu trực tiếp cá tươi loại A - 9 USD/kg. Nguyên tắc liên kết đầu tư phương tiện, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và chia sẻ lợi nhuận sẽ tạo động lực cho ngư dân nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm”.
Ngày 2/8, sau khi tham quan tàu VIJAS Research & Training Vessel, đa số ngư dân Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đều nhận thấy tính hiệu quả của tàu composite “hơn hẳn tàu gỗ mình đang làm”.
Đến cuối năm 2013, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có 3.554 tàu chuyên khai thác cá ngừ, trong đó chủ yếu là tàu vỏ gỗ có công suất máy 45CV trở lên. Sản lượng khai thác năm 2013 chỉ đạt 98% so với năm 2012.
Giá ngừ vây vàng hiện nay ngư dân bán cho các nhà máy ở Việt Nam dao động từ 50.000-90.000 đồng/kg, trong khi nếu đạt chất lượng Sashimi để xuất khẩu tươi sang Nhật có giá 195.000 đồng/kg. Ngân hàng BIDV cam kết tiếp tục dành 500 tỉ đồng cho vay hỗ trợ gia tăng năng lực chế biến cá ngừ cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hải sản, cá ngừ tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Nguồn Lao động