Thứ Sáu | 14/12/2012 13:11

Bước đệm mở room nhà đầu tư nước ngoài

Gần đây các nhà đầu tư nước ngoài đã hối thúc Chính phủ nới room nhà đầu tư nước ngoài và đề xuất 3 biện pháp bước đệm cho việc này.
Câu chuyện mở room (tỷ lệ sở hữu cổ phiếu trong một doanh nghiệp) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các doanh nghiệp, kể cả ngân hàng, vốn âm ỉ từ lâu, đã dấy lên lại từ giữa tháng 11 tại một số diễn đàn lớn có sự tham gia của các quan chức cấp Chính phủ như Diễn đàn ổn định tài chính Đông Á, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên việc bán cổ phần nhà nước tại các tổng công ty rượu bia, nước giải khát như Habeco, Sabeco lại được giới tài chính và một số phương tiện truyền thông hâm nóng.

Đích ngắm doanh nghiệp lớn

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã hối thúc Chính phủ mở room cho các doanh nghiệp niêm yết và cả không niêm yết. Họ kiến nghị nâng room công ty niêm yết cao hơn mức 49% theo quy định hiện hành và room ngân hàng cao hơn 30%.

Một vài ý kiến nhận định đây có thể là cách thức để khơi dậy sự quan tâm của giới đầu tư đối với thị trường chứng khoán (TTCK) đang rất ảm đạm, mà khối ngoại thì không thể tham gia thêm vì room ở các công ty lớn đã lấp đầy.

Thực sự thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài không giấu ý định gia tăng sở hữu tại các công ty niêm yết hàng đầu như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, SSI, REE, Nhựa Bình Minh, Kinh Đô…Room tại các doanh nghiệp này đã đầy và nếu còn, tỷ lệ chỉ là một vài phần trăm mà các công ty này phải giới hạn để phát hành trái phiếu chuyển đổi cho đối tác ngoại. Room của hai ngân hàng ACB và Eximbank cũng luôn được lấp kín.

Khối ngoại đã chọn ra những doanh nghiệp tốt nhất trên sàn, dẫn đầu trong các lĩnh vực ngành nghề để đầu tư. Đấy là những công ty mà ngay cả trong thời điểm kinh tế vĩ mô khó khăn vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy có khả năng mang lại mức lời khả quan và do đó, sở hữu càng nhiều cổ phần càng tốt.

Nói một cách khác, những bluechips trên sàn và ngoài sàn là những “miếng mồi” tầm cỡ, nơi mà hiệu quả kinh doanh đã và đang được chứng thực. Không phải chỉ là sự gia tăng của giá cổ phiếu, mà quan trọng là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp bất chấp mọi hoàn cảnh thử thách.

Nhìn vào danh mục đầu tư của các quỹ ngoại do Dragon Capital, Vinacapital hay DWS Vietnam Fund quản lý, đều thấy khoảng 65-75% vốn của họ đã dịch chuyển và tập trung vào các doanh nghiệp VNM, MSN, FPT, REE, HAG, KDC…

Trong thời gian tới, có thể những công ty “mồi lớn” sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn khi sự thoái vốn ở các đơn vị được cho là không hấp dẫn được tăng cường.

Hãy xem xét cường độ thoại vốn không ngừng nghỉ của khối ngoại ở cổ phiếu SHB trên sàn Hà Nội. Trong ba tuần từ 15/11 đến 7/12/2012, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra tổng cộng 16,2 triệu cổ phiếu SHB thông qua khớp lệnh, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 5,22% xuống 3,67%.

Từ trước đến nay, mỗi khi cần chuyển nhượng khối lượng lớn, khối ngoại bao giờ cũng tìm cách mua thỏa thuận. Họ chỉ bán khớp lệnh trong trường hợp bất đắc dĩ. Với SHB, cách họ bán khớp lệnh có lẽ là giải pháp sau cùng khi không thể giao dịch thỏa thuận.

Những giải pháp “bước đệm”

Một thí dụ để chứng minh vai trò của các doanh nghiệp “mồi lớn”. Năm 2012 dự kiến lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là 4.000 tỷ đồng, chỉ sau lợi nhuận của tập đoàn Dầu khí, Viettel và một số tổng công ty nhà nước khác.

Trong cơ cấu lợi nhuận của SCIC, lợi nhuận từ đầu tư tài chính (chủ yếu mua trái phiếu Chính phủ) chiếm tỷ trọng nhỏ. Mảng thoái vốn năm nay không mang lại lợi nhuận do bán trì trệ. Lợi nhuận chính của Tổng công ty đến từ việc nhận cổ tức từ các doanh nghiệp như VNM, FPT, DHG, BMP, NTP, DMC…Nếu không có trong tay những doanh nghiệp “mồi lớn” với cổ tức ổn định 20-30%/năm, thử hỏi làm sao SCIC đạt chỉ tiêu lợi nhuận?

Hơn 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, yêu cầu nâng room nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng đã tỏ ra hiện thực hơn, nhất là khi Việt Nam đang phải đối mặt với nợ xấu, bong bóng tài sản và sự suy giảm hiệu quả kinh doanh của khối quốc doanh. Giới tài chính quốc tế hiểu rằng không có thời điểm nào đầu tư vào một thị trường cận biên thuận lợi hơn là trong khủng hoảng.

Trao đổi về thoái vốn, một lãnh đạo của SCIC nói: “Ngay cả những doanh nghiệp yếu kém, lúc nào cũng có người mua, vấn đề là giá nào”.

Bốn năm năm trước Sabeco đấu giá thành công IPO trên 70.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nay giá thị trường OTC khoảng 37.000 – 38.000 đồng/cổ phiếu. Có nhiều lí do, nhưng sự giảm giá là một trong các nhân tố đưa đẩy Heniken, Asahi, Kirin, SAB Miller bày tỏ ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Để đi đến điều chỉnh room cho nước ngoài, chắc chắn cần có thêm thời gian. Các nhà đầu tư ngoại đưa ra ba biện pháp “bước đệm” gồm: áp dụng quy chế cổ phiếu không kèm quyền biểu quyết, đẩy nhanh việc niêm yết doanh nghiệp chất lượng; xem xét cơ chế miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp tư nhân để khuyến khích họ lên sàn. Trong đó, việc cho phép doanh nghiệp phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết được ưu tiên.

Phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, về mặt nào đó giúp doanh nghiệp huy động được vốn và nó cũng không chạm đến quyền cổ đông Nhà nước nếu Nhà nước vẫn muốn nắm quyền chi phối. Tuy vậy nó không có tác dụng kích thích việc thoái vốn, giải quyết những doanh nghiệp không hiệu quả.

Nên chăng giải pháp “bước đệm” là mở room 51% thậm chí 100% đối với những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối và kinh doanh thua lỗ, chẳng hạn từ 1-2 năm trở lên?

Có không ít doanh nghiệp quốc doanh đang chờ được phá sản, giải thể, đang nợ đầm đìa nhưng nếu có dòng vốn ngoại bơm vào có thể sống lại. Nút thắt cần mở nhất là giá bán và đây mới thực là điểm xoáy đang chờ sự nhìn nhận và cơ chế mang tính thị trường đụng đến.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện