Bùng nổ M&A trong năm 2015
Theo số liệu báo cáo của viện nghiên cứu mua bán sáp nhập và liên kết (IMAA), hoạt động M&A tại Việt Nam đang phát triển rầm rộ hơn bao giờ hết. Theo ước tính của tổ chức này thì thị trường M&A tại Việt Nam đạt giá trị 3,8 tỷ USD với gần 400 thương vụ dự kiến được công bố trong năm nay. Đây là một mức tăng trưởng đáng kể so với con số 2,8 tỷ USD của năm 2014.
Hiện tại Việt Nam đang được xếp thứ 20 trên bảng xếp hạng toàn cầu về thị trường M&A, trong khi GDP hiện đang đứng thứ 55 trên toàn thế giới.
Trong năm 2011 giá trị trung bình trên mỗi hợp đồng M&A chỉ dao động trong khoảng 5-8 triệu USD thì đến năm 2014 giá trị này đã tăng lên mức 11 triệu USD, đặc biệt có một số thương vụ giao dịch còn lên tới 20 đến 100 triệu USD.
Trong đó có thể kể đến một số thương vụ M&A gần đây nhất như việc tập đoàn Vingroup mua lại 70% cổ phần của Công ty Ocean Retail.
Tiếp đến là tập đoàn Mondelez International, một công ty thực phẩm hàng đầu của Mỹ, tuyên bố mua lại 80% cổ phần của công ty Kinh Đô với giá 370 triệu USD.
Ngoài ra, quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity cũng công bố việc mua lại một phần vốn của công ty Bảo vệ thực vật An Giang, với trị giá 90 triệu USD.
Sau khi đạt cao điểm vào giai đoạn 2011-2012, thị trường M&A tại Việt Nam đã bị suy giảm nhiều trong thời kỳ 2013-2014. Giờ đây, số lượng (cột xanh) lẫn tổng giá trị (đường màu đỏ) của các thương vụ M&A đã có đà gia tăng mạnh mẽ trở lại - Ảnh: Market Mogul |
Nhân tố tác động
Phát biểu trong diễn đàn M&A "Chờ sự bùng nổ - Countdown to the next martket boom", Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ góp phần mở ra một môi trường thân thiện hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này góp phần thúc đẩy các hoạt động mua bán, sáp nhập tăng nhanh trong năm 2015.
Khi trong thời gian qua những hành lang pháp lý dường như thông thoáng hơn nhờ việc sửa đổi một số bộ luật như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật bất động sản...
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của những chính sách mở cửa này là quy định nới room cho khối ngoại. Quy định nêu rõ nhà đầu tư nước ngoài, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành, sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, thực hiện giao dịch dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu qua các ngưỡng 1%...
Điều này góp phần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra một nhân tố quan trọng khác giúp cho hoạt động M&A bùng nổ trong năm 2015 là việc các triển vọng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2015 GDP đạt mức 6,28%, tăng đáng kể so với mức 5,98% của năm 2014. Trong đó lạm phát được duy trì ở mức hợp lý 3%.
Sau gần 8 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WHO, Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Khi tham gia đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và EU (FTA) cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Theo đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào trong nước.
Thời gian qua Việt Nam nổi lên như là một điểm sáng trong các nước có nền kinh tế mới nổi. Điều này là một tín hiệu tích cực cho việc phát triển thị trường M&A trong thời gian tới.
Tuệ Nghi
Nguồn Market Mogul