Bức tranh thị phần ngân hàng Việt
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đồng thời cũng là nhóm gồm 4 ngân hàng với vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, đều trên 20 nghìn tỷ đồng (Agribank, BIDV VietinBank và Vietcombank) duy chỉ có Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là ngân hàng quy mô nhỏ. Tại các ngân hàng này, Nhà nước vẫn nắm đa số cổ phần.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có 4 ngân hàng có vốn điều lệ từ 10 nghìn-20 nghìn tỷ (MBBank, SCB, Sacombank, Eximbank); Các ngân hàng có vốn điều lệ từ 5-10 nghìn tỷ đồng có 13 ngân hàng, số còn lại là các ngân hàng với vốn điều lệ dưới 5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy với dân số khoảng 90 triệu người, tính riêng các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thì bình quân mỗi ngân hàng đang phục vụ khoảng 0,8 triệu người.
Ngoài ra, hệ thống còn bao gồm 6 ngân hàng liên doanh, 66 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nước ngoài, khoảng 30 công ty tài chính và cho thuê tài chính, hơn 1.000 quỹ tín dụng. Sau khi ký kết BTA với Mỹ (2001) và gia nhập WTO (2007), Việt Nam đã mở cửa thị trường với các ngân hàng nước ngoài. Sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài đang tăng lên đáng kể. Trước cuộc đổ bộ này, các ngân hàng nội buộc phải có những chuẩn bị như tăng vốn, hợp tác với nước ngoài để hạn chế mất thị phần.
5 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối thị phần tín dụng
NHTMNN vẫn thống trị cả thị trường tín dụng lẫn huy động nhưng họ đang mất dần thị phần cả về huy động lẫn tín dụng cho các đối thủ thuộc nhóm thương mại cổ phần.
Nếu như năm 2000, 4 NHTMNN chiếm 70% thị phần tín dụng thì đến năm 2007, tỷ lệ này giảm về dưới 60% và hiện chỉ nhỉnh hơn một chút so với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Chỉ 5 năm trở lại đây, NHTMCP đã nắm giành được hơn 15% thị phần từ tay NHTMNN. Trong khi Agribank là ngân hàng mất nhiều thị phần nhất thì thị phần của VietinBank lại tăng thêm 1,3% trong vòng 3 năm qua.
Cuộc cạnh tranh về thị phần càng trở nên gay gắt hơn khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng được đẩy nhanh để giải quyết vấn đề nợ xấu cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, hiện khối NHTMNN tập trung chủ yếu vào cho vay các tập đoàn, DNNN, trong khi khối NHTMCP tập trung cho vay DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân, trong khi khối ngân hàng ngoại tích cực chào vay các doanh nghiệp trong nước, thì khối ngân hàng nội cũng tích cực tiếp cận doanh nghiệp FDI.
Xét về quy mô, tài sản ngân hàng Việt Nam còn khá khiêm tốn so với ngân hàng trong khu vực nói riêng, quốc tế nói chung.
Về độ sâu tài chính, hay quy mô của ngành ngân hàng so với tổng thể nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi đáng kể cùng với sự tăng trưởng tín dụng. Năm 2000, tỷ lệ tín dụng/GDP chỉ đạt 35,1%, khá thấp so với các nước trong cùng khu vực (Thái Lan (138%), Singapore (78%), Philippines (58%), Trung Quốc (120%)). Tuy nhiên, sau mười năm tăng trưởng tín dụng quá mức, năm 2010, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đạt đỉnh ở mức 135,8%.
Tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam năm 2012 đạt 115,4%. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức trung bình của các nước đang phát triển trong khu vực.
Tốc độ phát triển hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính của Việt Nam là tương đối nhanh, qua đó cải thiện đáng kể của độ sâu tài chính. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng không tương đồng với chất lượng tăng trưởng. Số lượng ngân hàng lớn, nhưng quy mô của hầu hết các NHTM Việt Nam là nhỏ hơn so với các ngân hàng có quy mô trung bình của khu vực.
Nguồn Theo DVO