Thứ Năm | 23/05/2013 08:45

Bức tranh lợi nhuận quý I/2013 có sáng?

60% doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý I. Hầu hết số này hoàn thành 25% kế hoạch năm, mức hoàn thành cũng không thật vượt trội.
Xem kỹ hơn vào báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp này thấy rằng, chủ yếu lợi nhuận có được trong những tháng đầu năm lại đến từ tiết giảm chi phí.

Đó là kết luận được rút ra trong báo cáo tổng hợp và phân tích về bức tranh lợi nhuận quý I/2013 của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố vào sáng ngày 22/5/2013.

Dữ liệu thống kê cũng cho thấy, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp không có sự đột biến và nó hoàn toàn phù hợp với đặc thù của những tháng đầu năm, chủ yếu tập trung cho đại hội cổ đông, hoàn thành báo cáo tài chính năm trước và lên kế hoạch cho cả năm.

Ngành điện, nước và xăng dầu là ngành có bức tranh tổng quan tốt nhất trong quý đầu năm 2013. Phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp là nhờ do cắt giảm được chi phí trong đó đáng chú ý có chi phí tài chính giảm mạnh.

Ngành bất động sản mặc dù thoát lỗ song vẫn đang cho thấy nhiều dấu hiệu kém khả quan, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp, tồn kho cao chi phí tài chính giảm ít. Chỉ số P/E trung bình của ngành điện, nước và xăng dầu khoảng 6-8 lần, tương đối rẻ so với mặt bằng chung.

Về tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, trong quý I/2013 nhìn chung đều vượt 25%. Ngành hoàn thành kế hoạch doanh thu tốt nhất có điện, nước và xăng dầu khí đốt với 28%, trong khi đó, ngành bất động sản và truyền thông chỉ mới hoàn thành được 12% kế hoạch doanh thu của năm nay.

Về lợi nhuận, ngành điện nước và xăng dầu cũng thể hiện sự vượt trội khi đã hoàn thành được 64% kế hoạch cả năm trong đó đáng chú ý có PPC với lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng và gấp 2,8 lần kế hoạch cả năm. Ngoài ra còn có SEB (39%) và hai ông lớn của ngành dầu khí là GAS và PGD với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận lần lượt là 57% và 47%.

Khối phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận xét rằng: so với cùng kỳ năm 2012, doanh thu của các ngành niêm yết hầu như không có chuyển biến đáng kể trừ ngành y tế (+26% so với cùng kỳ), trong khi đó, ngành dịch vụ tài chính là ngành có doanh thu sụt giảm mạnh nhất (-26% so với cùng kỳ).

Dẫn đầu về mức tăng trưởng lợi nhuận có thể kể đến 3 ngành cơ bản gồm: điện nước và xăng dầu khí đốt (+110%), hàng cá nhân và gia dụng (+92%) và ngành ô tô và phụ tùng (+62%). Ở chiều ngược lại, lợi nhuận suy yếu trong quý đầu năm có ngành hóa chất (-37%) và ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp (-18%).

Các công ty đáng chú ý có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng khả quan là: PPC, NBP, TCM, CLC, SVC và CSM. Mặc dù doanh thu hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận của nhiều ngành đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc, điều này cho thấy lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đến từ việc tiết giảm chi phí hoặc đến từ lợi nhuận khác.

Xem xét một cách chi tiết hơn, trừ hai ngành có tỷ suất biên lợi nhuận tăng mạnh là Dịch vụ tài chính và Bảo hiểm thì tỷ suất biên lợi nhuận của các ngành còn lại vẫn duy trì mức xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp hầu như không có gì thay đổi.

"Điểm nổi bật là chi phí tài chính của tất cả các ngành niêm yết đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và chúng tôi đánh giá đây là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết", chuyên viên phân tích của Công ty Cổ phần Rồng Việt nhận xét. Những ngành có chi phí tài chính giảm mạnh là ngành bán lẻ và hàng và dịch vụ công nghiệp (-39%), công nghệ thông tin (-45%), điện, nước, xăng dầu (-42%).

Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng mặc dù chi phí tài chính có giảm song lại giảm thấp hơn so với mức bình quân, trong đó, chí phí tài chính của ngành bất động sản chỉ giảm 7%, và ngành xây dựng và vậtt liệu giảm 14%. Tổng chi phí tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm được khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý thêm là các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng mặc dù chi phí tài chính có giảm song lại giảm thấp hơn so với mức bình quân, trong đó, chi phí tài chính của ngành bất động sản chỉ giảm 7%, và ngành xây dựng và vật liệu giảm 14%.

Về cơ cấu tài sản, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp được khảo sát, so với thời điểm cuối năm 2012, hầu như không thay đổi, chỉ có một số trường hợp đặc biệt như hai ngành dầu khí và điện nước, dịch vụ xăng dầu có mức tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao lần lượt là 17% và 14%. Trong khi đó, ngành du lịch và giải trí là ngành có sự sụt giảm mạnh về tài sản và nguồn vốn. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng là ngành vốn điều lệ tăng mạnh trong quý I/2013.

Số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các ngành niêm yết hầu hết ở mức thấp, ROA trung bình là 2% và ROE trung bình là 5%. Hai ngành có ROA và ROE cao nhất là ngành điện, nước và xăng dầu khí đốt, ngành còn lại là thực phẩm và đồ uống, trong khi đó ngành có tỷ suất sinh lợi thấp nhất là bất động sản.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện