Ảnh: VnMedia.vn

 
Hà Linh Thứ Ba | 06/08/2019 17:24

Bức tranh lợi nhuận ngành thép nửa đầu năm: Kẻ khóc, người cười

Bức tranh lợi nhuận ngành thép trong quý 2 và 6 tháng đầu năm khá ảm đạm khi doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm.

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép dần lộ diện khi các doanh nghiệp này lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm.

Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành báo doanh thu sụt giảm hoặc báo lỗ thì Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) lại đi ngược dòng khi lợi nhuận sau thuế quý 3/2019 (01/04/2019-30/06/2019) của công ty đạt 161 tỷ, tăng mạnh 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng trưởng này là do biên lợi nhuân gộp tăng lên cộng với nỗ lực tiết kiệm chi phí của tập đoàn. Cụ thể, chi phí bán hàng tiết giảm 7%, chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm 54%.

HSG cũng đang giảm gánh nặng tài chính của mình khi giảm nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn thông qua giảm khoản phải thu và hàng tồn kho cụ thể nợ vay ngắn hạn giảm từ 10,9 nghìn tỷ đồng đầu năm xuống 7,7 nghìn tỷ đồng.

Không được tích cực như HSG, công ty Cổ phần Thép Việt ý (HoSE: VIS) ghi nhận doanh thu đạt 1.333 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức rất thấp. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, VIS lỗ tiếp 32,2 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, VIS báo lỗ ròng gần 68 tỷ đồng.

Theo VIS, việc công ty lỗ trong quý vừa qua vì thị trường biến động mạnh, nhất là thị trường sản phẩm phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của công ty giảm mạnh. Giá thép trong kỳ cũng giảm mạnh, trong khi công ty phải mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng nên lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2019 cho thấy doanh thu đạt 3.063 tỷ đồng, giảm 15%. Lợi nhuận gộp đạt 86 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2018. Chi phí tài chính tăng mạnh cộng với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng khiến POM lỗ ròng 49 tỷ trong quý 2 và gia tăng mức lỗ 6 tháng đầu năm lên 133 tỷ đồng.

Buc tranh loi nhuan nganh thep nua dau nam: Ke khoc, nguoi cuoi
Ngành thép Việt đang đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: Diendandoanh nghiep.vn

Doanh thu của CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng tiếp tục giảm 30% xuống 2.976 tỷ đồng trong quý 2/2019. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ 8 tỷ. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của NKG vẫn tăng 25% lên 135 tỷ nhờ khoản lợi nhuận bất thường 180 tỷ.

Thậm chí, đại gia trong ngành là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) cũng báo lợi nhuận đi lùi. Cụ thể Báo cáo tài chính quý 2/2019 của HPG cho thấy doanh thu quý 2/2019 của công ty này đạt 15.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HPG đạt doanh thu 30.263 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12,77%, còn khoảng 3.860 tỷ đồng.

Bức tranh lợi nhuận ngành thép sụt giảm: Vì sao?

Theo các doanh nghiệp, thời gian qua ngành thép trong nước không chỉ liên tục hứng chịu các vụ điều tra nguồn gốc xuất xứ có đầu vào và đầu ra liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc và Mỹ, mà còn đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao.

Theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam, trong quý 2/2019, giá quặng sắt tăng mạnh có thời điểm lên tới 120 – 130 USD/tấn đã tác động lớn đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép khi nguyên liệu này chiếm tới 30 – 40% chi phí giá thành sản xuất thép.

Cùng với đó, việc đầu tư mở rộng công suất đến từ các doanh nghiệp lớn và có nhiều kinh nghiệm như Hòa Phát sẽ gây ra một cuộc cạnh tranh về giá và khiển cho nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng thua lỗ trong các năm tiếp theo. “Những doanh nghiệp nhỏ không có lợi thế về quy mô và các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ bị đào thải khỏi ngành”, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam nhận định.

►Hơn nửa sắt, thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nào?

►Thế trận mới của ngành thép

►Ông Vũ cứu Hoa Sen?