Thứ Tư | 14/01/2015 09:03

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng: Sự trở lại của những “ông lớn”

Vùng tối chiếm đa số trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng do còn nhiều yếu tố như khó khăn của kinh tế vĩ mô, nợ xấu, cầu vốn thấp…

Bức tranh lợi nhuận 2014 đã có những điểm sáng với những thông tin khả quan của một số ngân hàng như Agribank với sự phục hồi trở lại khi lợi nhuận tăng 6% so với năm ngoài, BIDV tăng 20%...

Tuy nhiên, diện tích của vùng tối chiếm đa số trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng do còn nhiều yếu tố như khó khăn của kinh tế vĩ mô, nợ xấu, cầu vốn thấp… Thậm chí có những ngân hàng còn bị ảnh hưởng tới lợi nhuận từ những rủi ro pháp lý.

Tín dụng làm sáng lợi nhuận

Mặc dù vẫn chưa có nhiều thông tin lợi nhuận từ các ngân hàng, nhưng đã cho thấy điểm sáng trong hoạt động ngân hàng. Điển hình như Agribank, một ngân hàng vừa được thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ đầu năm với hàng loạt lãnh đạo cấp cao được thay.

Mặc dù lợi nhuận vẫn là con số khiêm tốn so với tổng tài sản cũng như vốn điều lệ, nhưng với con số 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014 đã cho thấy có bước chuyển biến sau khi bắt đầu thự hiện tái cơ cấu.

Đáng chú ý, theo Agribank, lãi hoạt động kinh doanh vốn, đầu tư giấy tờ có giá tăng 40% so với năm 2013. Tổng thu dịch vụ của Agribank đạt 2.877 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cuối năm 2013, đạt 104% kế hoạch 2014.

Ấn tượng về con số lợi nhuận có lẽ phải nói đến BIDV, khi ước tính năm 2014 lợi nhuận trước thuế đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2013.  

Bình luận về con số lợi nhuận này, một chuyên gia tài chính cho rằng, BIDV có lợi thế về nguồn vốn rẻ, nên chỉ cần tăng trưởng tín dụng tốt là ngân hàng này đã có thể lãi khủng.

Với dư nợ tín dụng đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, mức tăng cao hơn so với mặt bằng chung của toàn hệ thống (14% trong năm 2014), lợi nhuận của BIDV được đến chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Cần phải nói, dù có lợi thế về nguồn vốn rẻ, nhưng BIDV không phải là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tiên phong giảm lãi suất huy động và cho vay. Những lần điều chỉnh lãi suất, Vietcombank luôn là ngân hàng đầu tiên phát tín hiệu này.

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chênh lệch lãi suất cho vay – huy động (NIM) năm 2014 khoảng 2,8%, tương đương với năm 2013. Tuy nhiên, đây chỉ là mặt bằng chung, với ngân hàng có lợi thế về nguồn vốn rẻ như BIDV, tỷ lệ NIM có thể còn cao hơn.

Mặc dù chưa có công bố chính thức, nhưng thông tin về lợi nhuận của Vietcombank cũng đã được nhiều tổ chức tính toán. Theo CTCK TP.HCM (HSC), lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước tính đạt 5.680 tỷ đồng (tăng trưởng 1,8%).

Có lẽ, đóng góp chính vào lợi nhuận của Vietcombank cũng đến từ tín dụng. Năm 2014, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank tăng mạnh, khoảng 18%, riêng tháng 12 tăng khoảng 6%. Một điểm đáng chú ý của Vietcombank là tín dụng từ khách hàng cá nhân đã tăng 36% so với năm 2013. Theo tính toán của HSC, tỷ lệ NIM của Vietcombank trong năm 2014 khoảng 2,35%.

Một số ngân hàng nhỏ cũng cho thấy lợi nhuận khả quan. Ví như TPBank với lợi nhuận dự kiến đạt trên 536 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm. Đóng góp chính vào lợi nhuận của TPBank là tín dụng với dư nợ tăng trưởng trên 50% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 của ngân hàng Nam Á đạt 243 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với kế hoạch…

Rủi ro ngân hàng đối mặt

Dù vậy, bức tranh lợi nhuận ngân hàng sẽ có những gam màu tối, đó là nhiều ngân hàng còn có kết quả lợi nhuận không như kỳ vọng, hay cũng bị rủi ro từ pháp lý.

Ví như với Vietinbank. Tính đến thời điểm hiện nay, Vietinbank vẫn chưa công bố kết quả lợi nhuận, tuy nhiên, với kết luận của tòa phúc thẩm đại án Huyền Như là Vietinbank phải chịu trách nhiệm về 1.000 tỷ đồng Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty thì ảnh hưởng lợi nhuận của Vietinbank là không nhỏ.

Theo tính toán của HSC, nếu phải đền bù, số tiền đền bù này tương đương khoảng 13% lợi nhuận trước thuế ước tính cho năm 2014 của Vietinbank và hiện vẫn chưa được trích lập dự phòng.

Không chỉ vậy, lợi nhuận năm 2015 của Vietinbank cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do phải trích lập dự phòng tăng lên. Căn cứ vào báo cáo tài chính quý III/2014, tổng số tiền dự phòng đã trích lập là 5.412 tỷ đồng và chiếm 77,56% tỷ lệ dự phòng trên tổng nợ xấu.

Vietinbank có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp hơn so với các ngân hàng cổ phần nhà nước cùng nhóm. Kết luận vừa tuyên của Tòa phúc thẩm dường như sẽ buộc Ngân hàng phải cân nhắc tới chính sách dự phòng trong năm 2015, và có thể sẽ có những ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2015.

Hai ngân hàng là nạn nhân trong đại án Huyền Như là ACB và Navibank (nay là Ngân hàng Quốc dân - NCB) cũng bị ảnh hưởng tới lợi nhuận do không được Vietinbank bồi thường. Số tiền bị Huyền Như lừa là 900 tỷ đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết không có nhiều hy vọng để lợi nhuận ngân hàng có diễn biến theo chiều hướng thuận lợi bởi nhiều nguyên nhân chủ yếu từ môi trường khách quan như nền kinh tế chưa thuận lợi, doanh nghiệp còn bị “bủa vây” bởi khó khăn.
 
Theo ông Toại, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, ngân hàng không dễ có lãi. Bởi nhìn vào thực tế, trong suốt năm 2014, mặc dù lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm sâu, với mức giảm tới 50% so với năm trước, nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm không ngừng “chảy” vào ngân hàng cho thấy nguồn tiền không được lưu thông trong nền kinh tế.

“Người dân thắt chặt chi tiêu khiến “đầu ra” của doanh nghiệp cũng bị “co” lại, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trở nên eo hẹp và chịu ảnh hưởng dây chuyền chính là ngân hàng. Cũng giống như doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng cần sự lưu thông về tiền tệ, nếu “đầu vào” tiếp tục “phình”, nhưng “đầu ra” hạn chế, ngân hàng sẽ không có lợi nhuận”, ông Toại phân tích.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cũng cho rằng lợi nhuận của ngân hàng không cao, phổ biến là đạt mức 10% (lợi nhuận/vốn).

“Hiếm có ngân hàng nào đạt lợi nhuận 15%, nếu có cũng chỉ có thể do ngân hàng đó cơ cấu lại nợ. Ngay cả với ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt ở khu vực doanh nghiệp và cá nhân, lợi nhuận cũng không thể cao vì lãi suất cho vay giảm mạnh và nhanh, khiến ngân hàng không cân đối được chi phí, cộng với việc phải trích lập một nguồn vốn lớn để dự phòng rủi ro, chưa kể là giải quyết những khoản nợ xấu vẫn còn cồng kềnh từ những năm trước”, ông Khánh phân tích.

Nguồn Bizlive