Bức tranh kinh tế Việt Nam qua sự suy giảm tổng cầu
Khó khăn toàn diện
Tình hình kinh tế trong và ngoài nước phức tạp, điều kiện kinh doanh suy giảm, các doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho biết theo báo cáo của Tổng cục Thống kê giảm cầu nội địa là khó khăn lớn nhất, phổ biến với 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát.
Tiếp đến là 53,6% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và 49,2% gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào.
Những bất ổn vĩ mô đã gây khó khăn cho 23,6% số doanh nghiệp, còn nhu cầu thị trường nước ngoài suy giảm gây ảnh hưởng tiêu cực cho khoảng 10 % số doanh nghiệp. Đối với vấn đề lao động chỉ có khoảng 12% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng.
Khoảng 1/2 số doanh nghiệp FDI và gần 70% số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do giảm cầu trong nước.
Ngược lại, giảm cầu ở thị trường nước ngoài đã gây khó khăn cho gần 54% số doanh nghiệp FDI, 22,2% doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 7,5%.
Điều này phần nào chứng tỏ đại bộ phận doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân chủ yếu hoạt động trên thị trường nội địa, chỉ một số không nhiều có xuất khẩu hoặc giao dịch với thị trường nước ngoài.
Tiếp cận vốn đang là rào cản phổ biến được nhắc đến hàng ngày trong suốt mấy năm qua. Trên thực tế, hơn 42% số doanh nghiệp không vay vốn trong hoạt động kinh doanh và dựa vào . Nói cách khác, số doanh nghiệp này chỉ dựa vào vốn tự có của mình để kinh doanh và không vay mượn của bất kỳ ai.
Trong số 58% số doanh nghiệp có vay vốn từ người khác thì gần 30% có vay vốn từ ngân hàng thương mại cổ phần, gần 39% có vay vốn từ bạn bè, người thân và 5,5% vay từ các ngân hàng FDI.
Có khá nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đầu tiên và lớn nhất là lãi suất cao; gần 40% số doanh nghiệp gặp phải rào cản này. Tiếp sau là thủ tục phiền hà (28,5%), không có thế chấp (gần 19%), phải trả thêm phụ phí (gần 10%) và cuối cùng là không có vốn đối ứng (khoảng 7%).
Bảng 3: Những rào cản vay vốn của doanh nghiệp.
Kết quả điều tra của Tổng cục thống kế cho thấy phần lớn doanh nghiệp đang vay vốn với lãi suất rất cao. 78,5% số doanh nghiệp đã phải trả mức lãi suất từ 16% trở lên; hơn một nửa số doanh nghiệp phải trả mức lãi suất từ 18% trở lên.
Tuy vậy, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, số tín dụng mà doanh nghiệp vay và trả mức lãi suất trên 15%/năm đã liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, và đến ngày 20/8/2012 xuống còn 29%.
Bảng 4: Mức lãi suất tín dụng đối với doanh nghiệp.
Hỗ trợ của Nhà nước ít hiệu quả trong giải quyết khó khăn doanh nghiệpTrước tình hình kinh doanh sản xuất khó khăn của doanh nghiệp, một loạt các biện pháp của Chính phủ như hoãn, giãn, giảm nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân; áp trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên đồng thời tăng đầu tư, chi tiêu công để kích cầu.
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Trần Đình Cung hiệu quả từ hỗ trợ đó của Nhà nước là không cao. Về quy mô, giá trị gói hỗ trợ là rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và người dân.
Các giải pháp giảm, giãn nộp thuế về lý thuyết có giá trị khoảng 36 ngàn tỷ đồng; nhưng chỉ là giãn, hoãn nộp thuế chỉ giảm gánh nặng tính thời điểm cho doanh nghiệp và chất thêm gánh nặng về thuế cho năm 2013 và các năm tiếp theo. Trên thực tế số tiền được hỗ trợ từ giải pháp này còn thấp hơn nhiều.
Về vay vốn từ ngân hàng, theo báo cáo của NHNN, thì đến ngày 20 tháng 8/2012 số tín dụng với lãi suất cao hơn 15% năm đã giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn cho rằng trên thực tế, chi phí mà họ phải thanh toán để vay vốn là cao hơn và khả năng tiếp cận vốn trên thực tế chưa được cải thiện.
Các giải pháp nói chung đều chỉ mới nhằm đến các nguyên nhân trực tiếp; về cơ bản là "ngược lại" đối với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, quy mô và cường độ của các giải pháp này sẽ là hết sức hạn chế, không thể kích cầu để tăng lượng cầu lên mức như trước năm 2011.
Trong khi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng như mong muốn, chi phí sản xuất và giá thành chưa giảm được, thì giá xăng, dầu, điện lại điều chỉnh tăng liên tục, phí dịch vụ y tế đồng loạt tăng.
8 tháng đầu năm, giá dầu đã tăng thêm 2200 đồng/lít. Tháng 7/2012 giá điện cũng đã điều chỉnh tăng thêm 5%.
Có thể thấy các giải pháp chính sách là chưa thật nhất quán theo hướng giải quyết các khó khăn đối với doanh nghiệp nên niềm tin của doanh nghiệp với điều hành của Chính phủ là chưa thật vững chắc.
Vì vậy mong chờ của doanh nghiệp là giải pháp tổng thể, trực diện giải quyết các khó khăn tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn là những giải pháp "truyền thống", mang tính thời điểm, ngắn hạn hiện nay.
Nguồn CafeF