Bức tranh kinh tế dưới góc nhìn ngân sách
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Ông Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu ngân sách nhà nước tích cực hơn.
Chiều 23/10, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về các vấn đề liên quan đến ngân sách. Chưa khi nào, bức tranh của nền kinh tế lại trở nên buồn như bây giờ, khi mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách có đưa ra kết luận rằng sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Một cách chia sẻ, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đánh giá rằng kết quả đó, có nguyên nhân trước hết là dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao.
Tại kỳ họp cuối năm 2012, Quốc hội quyết định giao dự toán thu nội địa tăng 14,4%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 10% so với ước thực hiện năm 2012. Cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu ngân sách nhà nước ngay trong năm khá lớn. Thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một vấn đề khó được cảm thông, theo ông Hiển, là trong khi thu ngân sách nhà nước giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.
Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.
Qua giám sát thực tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, một thực trạng là việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi ngân sách nhà nước, song chưa cân đối với nguồn lực ngân sách nhà nước; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi ngân sách nhà nước nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi ngân sách nhà nước, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau. Một số chính sách, chế độ hỗ trợ cho các địa phương còn bất cập, cần được điều chỉnh hợp lý hơn.
"Túi tiền" quốc gia còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn lực ngân sách nhà nước phân tán, dàn trải do bố trí chi chưa tập trung, hiệu quả chưa cao, nhất là trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, tồn tại quá nhiều quỹ ngoài ngân sách làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán. Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sụt giảm.
Bội chi cũng trở nên ngày một phải đau đầu hơn. Sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia chưa vững chắc.
Với năm 2013, trong bối cảnh hụt thu lớn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại điều 49 của Luật Ngân sách Nhà nước, theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Với năm 2014, Chính phủ đề nghị bội chi năm nay ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
Vấn đề nợ công có an toàn hay không, đến nay vẫn còn là một "bí mật". Ngay trước khi kỳ họp thứ 6 diễn ra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có tổ chức một phiên giải trình về nội dung này với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính nhưng đây là một phiên họp "kín" nếu theo nghĩa truyền thông không được mời đến dự và đưa tin.
Vấn đề này, đến nay cũng chỉ được Ủy ban Tài chính - Ngân sách báo cáo khá vắn tắt trước Quốc hội là: "Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công".
Nguồn VnEconomy