Thứ Ba | 22/01/2013 09:50

BTP lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ một Thông tư 179

TT 179 chỉ yêu cầu dùng tỷ giá mua vào của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản, thay vì sử dụng tỷ giá giao dịch như Thông tư 201.
Kế hoạch lỗ

Cách đây gần 3 tháng, ngày 1/11/2012, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa BTP thông báo tổng sản lượng điện sản xuất năm 2012 dự tính đạt 571 triệu KWh, còn doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 979 tỷ và 53 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trong ba quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của BTP đã là 77 tỷ đồng. Vậy, theo cách hiểu bình thường, ban lãnh đạo BTP kỳ vọng đến quý IV này công ty sẽ lỗ 24 tỷ đồng.

Hai tháng sau, ngày 3/1/2012, trước thông tin sản lượng điện của BTP năm 2012 thực tế cao gấp đôi kế hoạch, công ty đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK TPHCM công văn khẳng định điều này, nhưng cho biết, “ít ảnh hưởng đến lợi nhuận”.

Nửa tháng sau, ngày 18/1/2012, BTP công bố BCTC Quý IV/2012, theo đó LNST năm 2012 là 124 tỷ đồng, tức gấp hai lần rưỡi so với kế hoạch thông qua cách đó hai tháng rưỡi. Trước khi thông tin lợi nhuận này được công bố, cổ phiếu BTP đã tăng trần 3/4 phiên giao dịch trước đó.

Khoản vay bằng đồng Won

Nói tới chuyện chênh lệch tỷ giá, nhà đầu tư thường nghĩ ngay tới PPC và khoản nợ bằng đồng Yên Nhật của công ty này. Trong giai đoạn 2007-2011, PPC đã lỗ tỷ giá tới gần 4.000 tỷ đồng.

Với BTP, công ty này có khoản vay hơn 40 triệu Won từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc. Năm 2011, công ty này đã phải ghi lỗ chênh lệch tỷ giá cả đã thực hiện và chưa thực hiện tới hơn 100 tỷ đồng và trước đó cũng lỗ tỷ giá gần 140 tỷ của năm 2010. Trong 2 năm 2010 và 2011, VNĐ mất giá trong khi KRW/USD tương đối ổn định.

Sang đến năm 2012, tuy VNĐ giữ giá với USD (tỷ giá ổn định ở 20.828 đồng), nhưng USD lại mất giá mạnh so với KRW. Năm 2012, KRW tăng giá 8,3%, mức cao nhất so với đồng tiền của các nước Châu Á chủ chốt khác.

Tỷ giá
Biến động cặp tỷ giá KRW/VND và KRW/USD giai đoạn 2010-2012 (Nguồn: Google Finance)

Lỗ tỷ giá treo trên đầu

Trong ba năm từ 2009 đến 2011, BTP luôn sử dụng tỷ giá tính thuế XNK do NHNN công bố cho giai đoạn từ 21-31/12 để quy đổi số dư ngoại tệ của khoản vay bằng KRW ra VNĐ. Nếu năm nay cũng thế, Nhiệt điện Bà Rịa sẽ phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện theo tỷ giá tính thuế XNK do NHNN công bố cho giai đoạn 21-31/12/2012 (19,41 đ/krw).

So sánh tỷ giá BTP dùng để ghi nhận khoản vay bằng KRW và tỷ giá tính thuế XNK do NHNN công bố cho giai đoạn 21-31/12 hàng năm
So sánh tỷ giá BTP dùng để ghi nhận khoản vay bằng KRW và tỷ giá tính thuế XNK do NHNN công bố cho giai đoạn 21-31/12 hàng năm
Nếu điều chỉnh số dư khoản vay bằng đồng won tới cuối năm 2012 (37,5 triệu won) về tỷ giá 19,41 đ/krw, BTP sẽ “bớt lãi” đi 63 tỷ đồng, tức hơn 1/3 LNTT trước kiểm toán. Theo cách tính này, LNTT của cả năm sẽ chỉ còn có 113 tỷ đồng và LNST còn khoảng 80 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đồng Won vẫn đang tăng giá mạnh, việc BTP đưa ra một “kế hoạch lạ” như ở trên, tuy không phải đã hoàn toàn thuyết phục, nhưng cũng không phải là không có lý do.

Từ lỗ thành lãi

Sau khi BTP thông qua điều chỉnh kế hoạch được nửa tháng, Bộ Tài chính mới đăng công báo chính thức ban hành Thông tư 179/2012/TT-BTC về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái vào ngày 19/11/2012. Dù tới năm cùng tháng tận mới ban hành, nhưng TT 179 có hiệu lực ngay cho năm tài chính 2012.

Nếu như TT 201 yêu cầu doanh nghiệp sử dụng tỷ giá giao dịch (và trong thực tế, thường sẽ dùng tỷ giá tính thuế XNK) để hạch toán chênh lệch tỷ giá, thì TT 179 lại chỉ yêu cầu dùng tỷ giá mua vào của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản.

Với việc áp dụng TT 179, thay vì tỷ giá 19,41 đ/krw theo NHNN (và đi kèm với nó là lỗ tỷ giá 63 tỷ đồng), nay công ty được dùng tỷ giá mua vào của Vietcombank vào ngày 31/12/2012 chỉ 17,74 đ/krw và ghi lãi tỷ giá hơn 2 tỷ đồng.

Nguồn CafeF


Sự kiện