BSC: Thị trường chứng khoán có thể còn một đợt sụt giảm
Tháng 4: Tâm điểm dòng tiền bị sụt mạnh
Không vượt qua được vùng đỉnh của năm 2009, VN-Index đã lập đỉnh trong ngắn hạn và có tháng điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng 9/2013. VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 2,2% và 10,7% trong tháng 4.
Nhưng tính chung 4 tháng đầu năm, hai chỉ số này đã có mức tăng 14,5% và 17,6%, tăng khá mạnh so với cùng thời điểm năm 2013.
Thanh khoản tháng 4 sụt giảm mạnh, kết thúc 7 tháng tăng trưởng liên tiếp, giao dịch bình quân trong tháng đạt 2.780 tỷ đồng/phiên, giảm 33,3% so với tháng 3.
Giá trị vốn hóa cả thị trường đạt 1.144 nghìn tỷ, giảm 3,1% so tháng 3, trong đó HSX và HNX có mức giảm lần lượt là 2,4% và HNX 8,6%.
Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến thị trường giảm mạnh hai nhịp, rơi vào tuần thứ nhất và tuần thứ 3 của tháng. Xen kẽ giữa hai nhịp giảm điểm là hai đợt hồi phục với sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn như GAS, HPG, PVD, FPT và MSN.
“Dòng tiền vào thị trường suy giảm và tâm lý thị trường không ổn định với những vụ án lớn xét xử tạo ra áp lực bán tháo trên diện rộng trên hai sàn. Sự hồi phục sau đó cũng khá nhanh nhưng dựa vào một vài cổ phiếu lớn và thanh khoản vẫn thấp khiến xu hướng thị trường chưa có rõ ràng và thiếu tính bền vững”, BSC phân tích.
Theo BSC, P/E thị trường giảm về mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây, mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực, P/E của VN-Index ở mức 13,81 và HNX-Index là 17,97, giảm lần lượt 2,5% và 9,7% so với tháng trước.
P/E giảm so với tháng trước chủ yếu do mặt bằng giá cổ phiếu giảm và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện nhẹ trong quý I.
Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, sau khi bán ròng mạnh 1.670 tỷ trong tháng 3, hoạt động mua bán của khối ngoại đã trở lại cân bằng khi mua ròng 1.572 tỷ đồng.
Quy mô mua ròng của khối ngoại trong tháng 5 dự báo là không lớn nhưng sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong bối cảnh thanh khoản chung của thị trường đang ở mức thấp.
Tổng kết tháng 4/2014 cho thấy, dầu khí là ngành duy nhất có mức tăng trưởng dương đạt 13,59%, trong đó GAS là mã có mức tăng mạnh nhất trong nhóm với mức tăng 19,88%.
Ngược lại, ngành có mức giảm mạnh nhất vẫn là ngành vật liệu cơ bản, giảm 9,48%, tiếp đến là ngành tài chính có mức sụt giảm cao thứ hai, với mức giảm 8,63%.
Thị trường có thể còn sụt giảm một đợt nữa
Theo BSC, nếu xu hướng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn phụ thuộc vào dòng tiền và tin tức thì xu hướng trung và dài hạn phải dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng.
Tại thời điểm cuối tháng 4, thị trường đã có sự điều chỉnh rõ rệt hơn 5 tuần và thành 2 nhịp điều chỉnh rõ rệt cùng với thanh khoản giảm sút.
“Theo lý thuyết sóng, thị trường có thể còn 1 nhịp giảm điểm rõ rệt trước khi tích lũy hoặc bật tăng trở lại. Do vậy, cho dù trong ngắn hạn thị trường vẫn nằm trong nhịp điều chỉnh thì chúng tôi vẫn khá tự tin vào xu hướng trong trung dài hạn dựa trên nền tảng vĩ mô cải thiện. Dự báo trong nửa đầu tháng 5 thị trường có thể còn một đợt sụt giảm với ngưỡng hỗ trợ tốt trong khoảng 530-550 điểm, thị trường sẽ hình thành xu hướng tăng rõ rệt vào nửa cuối tháng 5”, BSC dự báo.
BSC cũng đưa ra khuyến nghị thị trường có thể hình thành vùng đáy trong khoảng vài tuần đầu tháng 5, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc của thị trường để tích lũy thêm vào danh mục dài hạn với những cổ phiếu có tăng trưởng tốt trong quý I, và có kế hoạch kinh doanh khả quan.
Trong đó, các nhóm ngành dệt may, thủy sản được hưởng lợi từ thông tin TPP, FTA; nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ và nhóm cổ phiếu hết room cũng là đối tượng đáng chú ý cho đợt hồi phục dự kiến vào nửa cuối tháng 5.
Nguồn BizLive