BSC: Lãi suất 6 tháng cuối năm có thể giảm 0,5%
6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự cải thiện với vai trò đầu tàu là khu vực dịch vụ. Các chỉ số sản xuất như chỉ số công nghiệp IIP, chỉ số PMI và các chỉ số phụ đang đi lên với mức tăng tốt.
Dựa trên tình hình đó, BSC cho rằng nền kinh tế đang giữ xu hướng hồi phục đáng kể từ vùng đáy 2012 với những bước tăng “chậm nhưng chắc”. Với tốc độ hiện tại, BSC kỳ vọng mức tăng trưởng 5,7% - 5,8% cho cả năm 2014 và 5,9% - 6% cho năm 2015.
Chỉ số lạm phát tiêu dùng 6 tháng chỉ tăng 1,38% so với cuối năm trước và tăng 4,98% so với cùng kỳ. Cầu tiêu dùng đã có sự cải thiện đáng kể khi tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 5,7% - cao hơn mức 4,9% của 6 tháng đầu năm 2013, hứa hẹn những mức tăng tích cực hơn nữa trong nửa cuối năm.
Đánh giá riêng về CPI, các chuyên gia cho rằng nhóm y tế sẽ không tăng nhiều trong thời gian tới do đã được điều chỉnh tăng mạnh tới 19% trong năm 2013 nhưng nhóm Giáo dục theo chu kỳ có khả năng sẽ tăng 10% trong tháng 9. Giá điện cũng có nhiều khả năng sẽ tăng dần theo lộ trình do một mặt giá than cho điện đã được điều chỉnh tăng 4 – 10%. Mặt khác, theo kế hoạch năm 2014, EVN đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân tăng ít nhất 34 đồng/KWh so với giá hiện tại.
Vì vậy, lạm phát 6 tháng cuối năm có khả năng tăng tốc trở lại nhưng cũng gây biến động quá lớn. BSC dự báo lạm phát cuối năm chỉ ở mức 6%.
Về đầu tư nước ngoài, BSC nhận xét có sự giảm sút nhưng chưa đáng lo. Bài toán của Việt Nam trong thời gian tới là nâng cao chất lượng các dự án FDI, giảm nhẹ gánh nặng chi phí không chính thức, cải thiện thủ tục hành chính… BSC dự báo FDI cả năm đạt khoảng 14 – 15 tỷ USD tương đương mặt bằng các năm 2011, 2012 và vốn FDI giải ngân khoảng 11 -12 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia,cán cân thương mại 6 tháng đầu năm của Việt Nam được cải thiện và xuất siêu là do nhu cầu nhập khẩu nội địa vẫn còn yếu trong khi xuất khẩu được giữ nhịp tốt hơn nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên tốc độ nhập khẩu đang dần cải thiện trở lại có thể khiến cho thặng dư thương mại trong thời gian tới bị thu hẹp dần. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối cao và xuất siêu, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm nhiều khả năng vẫn được duy trì ổn định.
Lãi suất 6 tháng đầu năm diễn biến theo chiều hướng giảm mà nguyên nhân là động thái nới lỏng từ từ chính sách tiền tệ của NHNN. Bên cạnh đó, do dư thừa vốn, các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí đầu vào. BSC dự đoán lãi suất 6 tháng cuối năm có xu hướng tiếp tục ổn định hoặc giảm 0,5%/năm.
Do sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hiện tại là khá lớn (khoảng 4-5%) và diễn biến tỷ giá năm nay ổn định, dễ đoán hơn năm trước nên nhu cầu tín dụng ngoại tệ tăng mạnh bù đắp cho tín dụng VND tăng thấp. Tuy nhiên việc này cũng đem đến một hệ lụy là thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng trong khi lại dồi dào trên thị trường tự do, đe dọa nỗ lực giảm thiểu tình trạng đô la hóa nền kinh tế bấy lâu nay của NHNN.
Nói về VAMC, báo cáo nhận định khả năng trong quý 3 vẫn chứng kiến sự thu hẹp hoạt động mua nợ của VAMC nhưng tới quý 4 sẽ tăng trở lại khi sát hạn phân loại nợ theo thông tư 02. Cho đến giờ, hành lang pháp lý cho việc bán nợ xấu vẫn chưa được xây dựng nên đây vẫn tiếp tục là thách thức với nền kinh tế.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ