Thứ Sáu | 16/11/2012 09:38

BSC: CPI tháng 11 tiếp tục tăng thấp 0,5 - 0,8%

BSC dự báo CPI cả năm 2012 được giữ nguyên ở mức 8,3%.
Theo báo cáo vĩ mô tháng 10 của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã có sự hạ nhiệt mạnh, chỉ tăng 0,85% so với tháng trước sau khi tăng tới 2,2% trong tháng 9. Như vậy, mức CPI so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng lên 7% và CPI tính từ đầu năm tăng 6,02%.

Không còn tăng đột biến như tháng trước, 2 nhóm giáo dục và thuốc, dịch vụ y tế tháng 10 chỉ còn tăng tương ứng 1,88% và 5,94%. Có thể thấy mức tăng này đã hạ nhiệt rất nhanh và mạnh so với mức tăng tới 10,54% và 17,02% trong tháng trước.

Như vậy, nếu trong tháng 9, 2 nhóm này kéo CPI chung tăng tới hơn 1,5 điểm % thì "tác động kéo" trong tháng 10 lên CPI chung chỉ còn 0,44 điểm %.

Về giá xăng trong suốt kỳ tính giá của tháng 10, giá xăng dầu trong nước không có bất kỳ sự điều chỉnh tăng hay giảm nào. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu tới CPI tháng 10 hầu như không có.

BSC dự báo, sau mức tăng đột biến của tháng 9, CPI nói chung đang dần quay trở lại quỹ đạo ổn định. CPI tháng 11 dự báo tiếp tục tăng thấp ở mức 0,5 - 0,8%. Dự báo CPI cả năm 2012 được giữ nguyên ở mức 8,3%.

a

Trước đó, báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của công ty chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS), đưa ra dự báo trong hai tháng cuối năm 2012, mức tăng CPI sẽ ở quanh mức 1%/tháng chủ yếu do tác động của yếu tố thời vụ trong khi giá cả của nhiều hàng hóa như xăng dầu, lương thực thực phẩm thế giới vẫn có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ, giá điện được giữ ổn định và khả năng tác động từ yếu tố cung tiền là rất nhỏ. Nếu CPI tháng 11 và 12 ở mức 1%/tháng như VCBS dự báo, CPI cả năm sẽ tăng khoảng 8%.

Báo cáo của BSC cho biết, lượng FDI, ODA giải ngân cộng với các nguồn ngoại tệ khác (kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế...) vào Việt Nam đã góp phần cải thiện cán cân thánh toán quốc tệ, tặng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Tính đến hết tháng 9, thặng dư cán cân thanh toán tổng thể đạt 8 tỷ USD, dự kiến cuối năm sẽ thặng dư khoảng 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, BSC cho biết, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam từ mức 9 tỷ USD đầu năm đến nay đã tăng lên 20 tỷ USD, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu. Dự báo đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ, khả năng sẽ duy trì ổn định mức trên 12 tuần nhập khẩu.

Nguồn Khampha/BSC


Sự kiện