Ảnh: Asia.nikkei.com
Brazil, vua xuất khẩu cà phê hòa tan của thế giới, nhắm đến thị trường Đông Nam Á và cạnh tranh với Việt Nam
Tính đến tháng 11/2019, xuất khẩu cà phê hòa tan của Brazil đã tăng 4,4% so với cả năm 2018. Việc cà phê Robusta được mùa, cùng với sự mất giá của đồng Real đã đem lại lợi thế xuất khẩu cho Brazil về chi phí sản xuất...
Đầu năm 2019, nguyên liệu thô cho cà phê hòa tan của Brazil có giá thấp hơn khoảng 5% so với giá của Việt Nam. Theo đó, mức chênh lệch này đã tăng lên khoảng 15%, theo chia sẻ của Pedro Guimaraes, Chủ tịch của Tập đoàn thương mại cà phê hòa tan Abics.
Ông Guimaraes, người đồng thời cũng là Giám đốc thương mại tại Cia Cacique de Cafe Soluvel - một nhà sản xuất cà phê hòa tan có trụ sở tại Sao Paulo cho biết, ngành công nghiệp này sẽ không dừng lại để bảo trì vào cuối năm nay như mọi khi mà sẽ hoạt động liên tục khi nhu cầu ở thị trường Đông Nam Á gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Carlos Mera, một nhà phân tích của Bankbook International, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 3% trong giai đoạn 2018-2019. Trong khi đó, Brazil, vốn là vua cà phê Arabica, sẵn sàng chiếm vị trí hàng đầu về cà phê Robusta.
Các nhà sản xuất của Brazil đang nhanh chóng áp dụng công nghệ mới có thể giúp thúc đẩy sản xuất, ông Mera nói.
Brazil dự kiến sẽ xuất xưởng 4 triệu bao cà phê trong năm 2019. Nguồn: Bloomberg. |
Ở bang Rondonia của Brazil, việc trồng các giống cây Robusta mới đang tạo ra sản lượng hàng năm từ 200 bao đến 300 bao/hecta, ông Mera cho biết. Thủy lợi dồi dào cũng đang thúc đẩy sản lượng. Trong khi đó, các giống cây lâu năm của Việt Nam có năng suất trung bình gần 50 bao/hecta.
Đông Nam Á chiếm khoảng 20% xuất khẩu cà phê hòa tan của Brazil. Indonesia và Myanmar là những khách hàng cà phê hòa tan lớn nhất của Brazil ở Đông Nam Á, theo Abics. Kể từ năm 2017, khối lượng cà phê hòa tan được xuất khẩu đến hai quốc gia này đã tăng lần lượt hơn 30% và 180%.
Brazil dự kiến sẽ xuất xưởng 4 triệu bao trong năm nay đến các nước, vượt mức kỷ lục 3,9 triệu bao trước đó trong năm 2016, theo Abics.
►Cà phê Việt cần thân thiện môi trường
►Cạnh tranh với Việt Nam, Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta
Nguồn Bloomberg