Bột giấy: Loay hoay đến bao giờ?
Việc thiếu nguồn bột giấy đang là vấn đề đau đầu với nhiều Công ty sản xuất giấy. Thế nhưng, những dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy liên tục thất bại, khiến các doanh nghiệp này lại liên tục phải tạm thời dừng hoạt động. Ðầu vào của ngành bột giấy Việt Nam vẫn là bài toán khó tìm lời giải.
Xuất gỗ dăm, nhập bột giấy
Bột giấy là nguyên liệu đầu vào trong sản xuất giấy, được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như gỗ, sợi, bông, giấy tái sinh, vải, rơm rạ, cỏ, lanh, đay, gai, nứa, bã mía…Tuy nhiên, sản lượng bột giấy được sản xuất trong nước hiện nay còn ít và chưa đủ cung cấp cho thị trường. Năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 484.300 tấn bột giấy, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước lên tới 2,9 triệu tấn giấy các loại.
Việt Nam được biết đến là nước có nguồn nguyên liệu gỗ trồng khá lớn. Vậy tại sao vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nguồn đầu vào cho ngành giấy? Thực tế, nguồn gỗ trồng của Việt Nam hiện nay được băm nhỏ làm gỗ dăm bán sang Trung Quốc với giá rẻ. Giá xuất khẩu dăm gỗ Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật trung bình 110-120 USD/tấn. Còn giá nhập khẩu bột giấy vào khoảng 900-1.000 USD/tấn. Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu gần 7 triệu tấn dăm gỗ khô, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn bột giấy.
Điều đáng buồn là các nước mua nguyên liệu thô của Việt Nam lại dùng nguồn này sản xuất ra giấy thành phẩm hoặc bột giấy, sau đó bán trở lại Việt Nam với giá cao. Không chỉ riêng ngành giấy, nhiều ngành khác cũng thiếu nguyên liệu này khi gỗ bị băm nhỏ làm dăm gỗ xuất khẩu.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện ngành công nghiệp giấy và bột giấy hầu như không có doanh nghiệp sản xuất bột giấy thương phẩm công suất lớn. Các doanh nghiệp sản xuất bột chủ yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất giấy của mỗi công ty. Hiện tại, chỉ có Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Cổ phần Tân Mai chủ động 80% nguồn nguyên liệu đầu vào. Còn các công ty giấy khác đều phải nhập bột giấy từ Trung Quốc và Indonesia.
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 500 doanh nghiệp với tổng năng lực sản xuất đạt 437.600 tấn bột giấy mỗi năm. Như vậy, ngành bột giấy mới chỉ đáp ứng 21,8% công suất sản xuất giấy. Số bột giấy còn lại được đảm bảo bởi bột giấy nhập khẩu, giấy loại thu gom nội địa và giấy loại nhập khẩu. Hiện nguyên liệu bột giấy sản xuất từ giấy tái chế đang là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm nhập khẩu, nhưng Việt Nam cũng mới chỉ thu gom được 25% nguyên liệu từ giấy tái chế.
Hàng loạt dự án bột giấy giậm chân tại chỗ
Để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu bột giấy, hơn 10 năm qua, nhiều nhà máy sản xuất bột giấy đã đăng ký đầu tư. Có thể kể đến như nhà máy bột giấy An Hòa (Tuyên Quang), nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), nhà máy bột giấy Thanh Hóa hay 2 nhà máy bột giấy của Tập đoàn Tân Mai tại Quảng Ngãi và Kon Tum. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các dự án bột giấy này hoặc chưa đầu tư xong, hoặc đã đóng cửa do thiếu gỗ nguyên liệu.
Ví dụ, nhà máy bột giấy Phương Nam tại Long An có công suất 100.000 tấn bột giấy/năm và nguyên liệu chủ yếu là cây đay, nhưng cũng phải ngừng hoạt động chỉ sau vài năm sản xuất. Còn dự án bột giấy Dung Quất công bố từ năm 2013, do liên doanh giữa Tập đoàn JK (Ấn Độ), Tập đoàn Sojitz (Nhật) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đầu tư vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án bột giấy Tân Mai do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai đầu tư, với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỉ đồng, quy mô 130.000 tấn bột giấy/năm đã xin lùi thời gian triển khai đến quý I/2017, cho dù đã nhập một số thiết bị về tập kết ở cảng Dung Quất. Năm 2014, các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ, doanh thu của Công ty Tân Mai chỉ đạt 50% kế hoạch. Còn dự án bột giấy Bình Định của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (công suất 150.000 tấn/năm, vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng) cũng chưa được triển khai.
“Hai nhược điểm lớn của ngành bột giấy Việt Nam là quy mô nhà máy nhỏ và máy móc đã quá lỗi thời. Mặc dù mức tăng trưởng của toàn ngành hiện chỉ là 7%, nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều tiềm năng”, ông Bảo, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết.
Điển hình là nhà máy bột giấy Phương Nam. Dự án này phá sản khi đã tiêu tốn hết 1.900 tỉ đồng nguồn vốn đầu tư, nhưng dây chuyền máy móc vẫn chạy chưa ổn định và cần đầu tư thêm 2.000 tỉ đồng nữa. Do nhà đầu tư đã hết vốn, nguồn nguyên liệu đầu vào lại không ổn định nên nhà máy sản xuất cầm chừng, dẫn đến phá sản.
Trong khi đó, dự án bột giấy Dung Quất thì gặp vấn đề quy hoạch. Trong chiến lược quy hoạch ngành giấy đến 2020, đã có sẵn danh sách các công ty tham gia xây dựng nhà máy mới nhưng lại không có tên dự án liên doanh này. Có thể thấy, những nhà máy nội không đủ nguồn vốn để đầu tư thì được cấp phép. Còn những nhà máy đủ nguồn vốn đầu tư lại không nằm trong diện quy hoạch, nên không được cấp giấy phép đầu tư.
Chính những bất cập này đã càng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam để đầu tư sản xuất bột giấy. Tháng 5 vừa qua, hãng sản xuất giấy bao bì lớn nhất thế giới là Nine Dragons Paper (Trung Quốc) đã công bố sẽ đầu tư “ké” dàn máy xeo mới ở Công ty Giấy Chánh Dương (Bình Dương), có công suất 350.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có dự án sản xuất giấy của Ðài Loan là Lee&Man Paper đang được triển khai ở tỉnh Hậu Giang, hay China Paper Corporation dự định xây dựng nhà máy bột giấy ở miền Trung.
Có thể thấy rõ, các doanh nghiệp ngoại đang nhòm ngó và tấn công vào ngành bột giấy Việt Nam. Những công ty đã được cấp phép và hiện đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy sẽ nắm được cơ hội làm chủ thị trường. Trở ngại duy nhất của họ là quy hoạch được vùng nguyên liệu đầu vào ổn định tại thị trường Việt Nam.
Thanh Hương