Thực tế, ai cũng có thể nhìn ra “chất xúc tác” cho các cơn sốt nóng trên là chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hoà
Bong bóng tài sản
Một số hiện tượng trên thị trường khiến nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý về rủi ro “bong bóng tài sản” đang hình thành trong nền kinh tế. Đó là những cơn sốt trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Thực tế, chỉ số chứng khoán VN-Index ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020 tăng gần 15% so với đầu năm (tăng 66% so với mức đáy trong quý II), chỉ số HNX-Index tăng 98% (tăng 110% từ đáy). Đà tăng nóng của chứng khoán khiến số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 mở mới đã tăng đột biến. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lũy kế trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 393.000 tài khoản, tăng gấp đôi so với năm trước. Số liệu từ các công ty chứng khoán cho thấy, vào cuối quý I, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào khoảng 65.000 tỉ đồng, tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử.
Trên thị trường chứng khoán có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực tài chính, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Năm 2020 giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục 429.500 tỉ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019. Mức phát hành này tương đương 4,7% dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Giải thích các hiện tượng trên, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc Dân, đây là hiệu ứng phụ trong chính sách tiền tệ năm 2020. Ngoài giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm chậm hơn, làm lợi cho khu vực tài chính hơn là lợi cho sản xuất, kinh doanh, đẩy dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư và đầu cơ. Thống kê cho thấy tỉ lệ cung tiền M2/GDP của Việt Nam đang tiệm cận mốc 200% và tỉ lệ tín dụng/GDP tiệm cận mức 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.
Nhiều nhận định cho thấy bong bóng giá tài sản đang là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Trong khi đó, tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường thị trường bất động sản cũng rất đáng lưu ý. Tại một số địa phương, sau những thông tin quy hoạch cả ảo và thật, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong vòng từ 1-2 tháng.
Trong cơn sốt đất, hiện tượng dễ thấy nhất là người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để trở thành “cò đất”, hoặc trở thành “nhà đầu tư”. “Hiện tại sẽ chưa có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng về lâu dài nếu như lại bùng phát bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản như khoảng hơn chục năm trở về trước thì sẽ rất nguy hiểm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.
Thực tế, ai cũng có thể nhìn ra “chất xúc tác” cho các cơn sốt nóng trên là chính sách tiền tệ và tài khóa thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng nhanh hơn. Đáng chú ý là vốn rẻ đã khiến dòng tín dụng không đi trực tiếp vào nền sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản.
Đà tăng nóng của chứng khoán khiến số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 mở mới đã tăng đột biến. |
Khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa ở mức rất cao cho thấy tín dụng dường như chưa thật sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả của tín dụng đối với nền kinh tế đang xấu đi. “Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản, sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh nhận định. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng 6-6,3%. Dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, rủi ro đang tiếp tục tích lũy.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết tình hình tài chính, tiền tệ trên thế giới gần đây đang ở mức rủi ro hơn vì tiền rẻ bơm ra nhiều, thị trường tài chính cũng phát triển những sản phẩm mới làm đa dạng hóa hình thức đầu cơ. Trong 6 tiêu chí về dấu hiệu rủi ro tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam cũng đã xuất hiện những vấn đề cần lưu ý: quy mô thị trường tài chính/GDP ngày càng lớn; xuất hiện một số sản phẩm mới ở cả hình thức đầu cơ và lừa đảo... Tuy nhiên, tình hình của Việt Nam ở mức độ trung bình khá, tức là có dấu hiệu rủi ro nhưng ở mức kiểm soát được.
Trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ, Tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến cáo cơ quan quản lý cần có động thái cảnh báo trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỉ giá cần được duy trì ổn định. Điều này hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch.