Thứ Hai | 27/08/2012 07:53

Bốn rào cản tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Đó là lợi ích nhóm, khung pháp lý chưa hoàn thiện, nợ tồn đọng và chi phí thực hiện.
Theo ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam, có 4 rào cản chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đầu tiên là lợi ích nhóm, bởi có một số người được lợi rất lớn từ khu vực (DNNN). Việc có thêm nhà đầu tư mới và giảm ưu đãi từ phía nhà nước sau khi doanh nghiệp sắp xếp lại sẽ khiến nhiều lãnh đạo hay đại diện vốn nhà nước tại DNNN lo ngại sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi. Do đó, họ cố tình ngăn cản, hoặc kéo dài thời gian thoái vốn, làm chậm tiến độ cải cách.

Rào cản thứ hai là khung pháp lý chưa ổn định, chưa rõ ràng để cho chủ sở hữu thực hiện giám sát. Cơ chế phối hợp giữa các chủ thể thực hiện giám sát; cơ chế công khai, minh bạch thông tin, kiểm tra, kiểm duyệt thông tin báo cáo; cũng như cơ chế cho phép một tổ chức hay đơn vị độc lập tham gia quá trình đánh giá, giám sát hiệu quả… rất thiếu

Đến nay, chỉ có thêm 2 văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước là Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước và Quyết định 224/2006/QĐ-TTg ngày 26/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.

Rào cản thứ ba là việc xử lý số nợ tồn đọng của các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Chi phí cũng là một trở lực lớn cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Hiện chưa có cơ quan nào có thể dự trù kinh phí cụ thể cho quá trình tái cơ cấu DNNN, do phạm vi rộng, dàn trải, cũng như mối liên hệ của quá trình này với việc tái cơ cấu các lĩnh vực khác của nền kinh tế và các vấn đề liên quan đến thay đổi chính sách.

Ông Phùng Hoàng Cơ cho rằng, trong quá trình tái cấu trúc DNNN cần lưu ý nhanh chóng loại bỏ tình trạng kinh doanh ngoài ngành, đầu tư dàn trải và kém hiệu quả, đảm bảo vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN.

Đồng thời, kiên trì, nhất quán xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa DNNN và các doanh nghiệp khác tuân thủ theo nguyên tắc thị trường thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động và quản lý DNNN.

Để tiến trình thoái vốn nhà nước tại các DNNN hoạt động không hiệu quả diễn ra nhanh chóng và minh bạch, cần xây dựng nghị định riêng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo nguyên tắc tập trung vốn từ doanh nghiệp nhỏ lẻ đầu tư cho doanh nghiệp lớn tiềm năng.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện