Tôn Hoa Sen muốn đón sóng nguyên liệu rẻ? Ảnh: QH.

 
Vũ Hoài Thứ Tư | 04/12/2019 14:28

Bổn cũ soạn lại, Tôn Hoa Sen muốn đón sóng nguyên liệu rẻ?

Từ cuối 2018, đầu 2019 khi giá HRC giảm mạnh, Tôn Hoa Sen đã chủ động tăng nhanh tốc độ bán hàng, giảm mạnh tồn kho...

Quá khứ "đầu cơ" hàng tồn kho: được và mất 

Nguyên liệu đầu vào của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC. Tận dụng độ trễ trong việc nhập hàng tồn kho, sản xuất và xuất bán tôn thành phẩm, cuối năm 2015 khi giá HRC giảm mạnh, HSG đã tiến hành "đầu cơ" hàng tồn kho. Khi giá HRC bật tăng vào đầu năm 2016, biên lợi nhuận gộp của HSG tăng lên trên 16,6%, thậm chí trong giữa năm 2016, biên lãi gộp của HSG đã lên tới mức 25%, mức cao nhất kể từ trước đến nay. 

Nguồn: DNSE.
Nguồn: DNSE.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2018, giá HRC không tăng và giữ ở mức cao khiến lợi thế trong việc nhập trước hàng tồn kho không còn, biên lợi nhuận của HSG khi đó đã giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong 3 năm là 8%. Đỉnh điểm, HSG báo lỗ hơn 100 tỷ đồng vào quý IV/2018. Cổ phiếu HSG theo đó cũng lao dốc mạnh. 

Cổ phiếu HSG lao dốc mạnh từ trong những tháng cuối năm 2018. Nguồn: FireAnt.
Cổ phiếu HSG lao dốc mạnh từ trong những tháng cuối năm 2018. Nguồn: FireAnt.

Giảm mạnh hàng tồn kho, HSG muốn đón sóng nguyên vật liệu rẻ 

Một lần nữa, HSG tiếp tục có động thái "đón sóng" nguyên vật liệu giá rẻ vào đầu năm 2019. Cụ thể, đầu 2019 khi giá HRC giảm mạnh, HSG đã chủ động tăng nhanh tốc độ bán hàng, giảm mạnh tồn kho. Trong giai đoạn quý II/20118-quý IV/2019, hàng tồn kho của HSG giảm hơn 55%. Đặc biệt, số ngày tồn kho của HSG giảm mạnh từ 141 ngày (quý IV/2017) về 67 (quý II/2019). Động thái này của HSG được Chứng khoán Đại Nam (DNSE) cho là để chuẩn bị cho việc đón đầu nguyên vật liệu giá rẻ. 

Điều này cũng có phần hợp lý, khi ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG, cũng từng chia sẻ trong đại hội cổ đông hồi đầu năm nay rằng: "50% lợi nhuận HSG đến từ đầu cơ nguyên liệu, và sẽ tiếp tục như vậy".

Nguồn: DNSE.
Nguồn: DNSE.

Theo số liệu được DNSE tổng hợp, giá HRC đã giảm 23% từ đầu năm 2019. Biên lợi nhuận của HSG theo đó cũng hồi phục nhẹ lên lên mức 13%. 

Ngoài việc ráo riết đẩy nhanh tốc độ bán hàng tồn kho, HSG còn đang đẩy mạnh tái cấu trúc tài chính và hệ thống phân phối. 

Nợ vay HSG giảm mạnh từ mức đỉnh về 9.600 tỷ đồng tính đến 30/09/2019. Công ty giảm nợ vay do không duy trì đầu cơ hàng tồn kho trong thị trường giá xuống của HRC.

Nguồn: DNSE.
Nguồn: DNSE.

Về kinh doanh, lợi nhuận sau thuế HSG đã tăng trở lại trong năm 2019 sau khi giảm mạnh suốt giai đoạn 2017-2018. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 đạt 84 tỷ đồng, tăng mạnh trong khi cùng kỳ 2018 HSG lỗ 101 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những chính sách thuế chống bán phá giá giúp các nhà sản xuất trong nước gia tăng sản lượng và biên lợi nhuận trở lại.

Cụ thể, tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã áp thuế tạm thời đối với các sản phẩm Tôn, Thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Tháng 10/2019, Bộ Công thương đã chính thức áp dụng mức thuế này đối với sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc. DNSE nhận định chính sách bảo hộ kéo dài cùng xu hướng giá thép HRC giảm mạnh dự báo giúp kết quả kinh doanh của HSG phục hồi mạnh mẽ.

Những điểm tích cực dường như đang được phản ánh vào giá cổ phiếu của HSG trên thị trường. Kết phiên giao dịch 02/12, giá cổ phiếu HSG đóng cửa ở mức 7.850 đồng/cổ phiếu. Trong 1 tháng qua, giá cổ phiếu tăng hơn 9% với khối lượng bình quân hơn 4,5 triệu/cổ phiếu. 

►Ông Vũ cứu Hoa Sen?

►Biên lãi gộp quý IV/2019 cải thiện, Tôn Hoa Sen chuyển lỗ thành lãi

►Bắt tay Formosa, Hoa Sen đối đầu Hòa Phát