Thứ Tư | 16/01/2013 08:33

"Bơm tiền ào ạt qua công ty quản lý tài sản, nợ xấu sẽ lại như cũ"

Theo bà Lee Chui Sum, Giám đốc cấp cao PWC, NHNN nên bơm tiền một cách từ từ và thông báo rõ ràng kế hoạch hành động tới toàn thị trường.
Ngày 15/01/2013 tại Hà Nội, Công ty Tài chính quốc tế (IFC, một thành viên của Ngân hàng thế giới) đã tổ chức buổi Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nợ và xử lý nợ xấu đối với Việt Nam.

Bên lề hội thảo, bà Lee Chui Sum, Giám đốc cấp cao (Senior Executive Director) của PWC Malaysia đã có một số trao đổi về chủ đề này.

Bà Lee Chui Sum hiện là Giám đốc cấp cao của PWC Malaysia với trên 24 năm kinh nghiệm về tái cơ cấu doanh nghiệp và kiểm toán. Chuyên môn của bà là tái cơ cấu nợ và bán nợ xấu.


Phương án xử lý nợ xấu của Việt Nam bao gồm việc thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC). Trái phiếu do VAMC phát hành có thể được đem lên chiết khấu lấy tiền tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Theo bà, điều này có thể gây ra lạm phát?

Theo tôi hiểu, động thái này sẽ giúp cải thiện thanh khoản và có thể tác động tới lạm phát. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể nói chắc chắn là sẽ có lạm phát cao. Việc này còn phụ thuộc vào rất nhiều biện pháp mà chính phủ có thể thực hiện để kiềm chế lạm phát.

Không nên hiểu cứ bơm tiền vào hệ thống là sẽ gây ra lạm phát, nhưng rõ ràng lạm phát phải được theo dõi chặt chẽ và kiềm chế bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Theo một số nguồn tin, số tiền này có thể rất lớn, liệu thông tin này có tác động tới quan điểm của bà về vấn đề này?

Số tiền có thể rất lớn, nhưng vấn đề ở đây là liệu NHNN có bơm toàn bộ số tiền ấy ra cùng một lúc hay họ sẽ bơm dần dần. Mọi chuyện tùy thuộc vào NHNN. Nếu họ bơm tất cả vào hệ thống cùng một lúc, tôi nghĩ rủi ro lạm phát sẽ cao.

Nếu bơm dần dần, họ có thể quản lý dòng tiền bơm vào hệ thống tốt hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ NHNN có thể bơm ra 25% tổng số tiền “rất lớn” kể trên trong năm thứ nhất, rồi 30% trong năm thứ hai. Nhờ thế, khối lượng tiền bơm ra được kéo dãn.

Theo tôi như thế tốt hơn nhiều. Về phía các NHTM, họ có thời gian điều chỉnh kế hoạch kinh doanh dựa trên dòng tiền kỳ vọng. Nếu tiền về cùng một lúc, tín dụng từ phía các NHTM sẽ làm ngập thị trường. Kết quả là độ hai năm nữa, vấn nạn nợ xấu sẽ lại như cũ.

Bà có nghĩ NHNN nên thông báo một cách rõ ràng với thị trường về cả quy mô lẫn lịch trình chi tiết của đợt can thiệp sắp tới?

Có chứ. Thực tế thì chúng ta nên được biết một kế hoạch toàn diện thay vì chỉ làm từ từ từng bước một.

Sau khủng hoảng tiền tệ 1997, Malaysia đã giải quyết vấn đề tồn kho bất động sản như thế nào?

Đây là một vấn đề khó. Đến nay, chúng tôi vẫn còn những dự án bỏ hoang từ hồi 1997, có điều là ít hơn thôi. Thời gian qua đi, các ngân hàng được tái cấp vốn và nền kinh tế tốt dần lên nên rất nhiều dự án đã được hoàn thành.

Phần lớn các dự án này thuộc sở hữu tư nhân nên chính phủ sẽ không vào cuộc và “hồi sinh” chúng. Chính phủ có mua lại một số dự án nhà ở có chi phí thấp để dành cho người nghèo, nhưng với những dự án còn lại, chính phủ mặc kệ các công ty tư nhân.

Malaysia là một xã hội tuân thủ luật chơi của thị trường tự do, chính phủ không can thiệp vào công việc của khu vực tư.

Vậy thị trường bất động sản “thoát chết” chỉ nhờ kinh tế phục hồi?

Đúng thế, chính phủ chỉ nên làm đến vậy thôi.

Ông Mahesh Uttamchandani, Trưởng bộ phận Tư vấn Xử lý nợ & Giải thế doanh nghiệp, Công ty tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với mọi chương trình mua tài sản là vấn đề quản trị, với mục đích đảm bảo chương trình này độc lập, đi đúng định hướng và dựa trên những quyết định thực sự mang tính thị trường.

Nguồn CafeF


Sự kiện